icon icon icon
15 tình huống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Thứ Năm, ngày 23 tháng 5 năm 2024 - 15:26 - Lượt xem: 43


TÌNH HUỐNG 01: Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần”

Anh Quang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình, bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã X ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Anh Quang sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt có nói chuyện với hàng xóm của mình là anh Bằng thì anh Bằng có nói rằng hành vi vi phạm pháp luật của anh Quang còn bị Trưởng Công an xã quyết định xử phạt nữa.

Hỏi: Một hành vi vi phạm pháp luật của anh Quang có thể cùng bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và Trưởng Công an xã quyết định xử phạt không? Tại sao?

Trả lời:

Một hành vi vi phạm pháp luật của anh Quang không thể cùng bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và Trưởng Công an xã quyết định xử phạt được, vì:

Điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính như sau: “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần”.

Theo đó, một hành vi vi phạm hành chính của anh Quang chỉ bị xử phạt một lần. Anh Quang đã bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã X quyết định xử phạt rồi thì không thể bị Trưởng Công an xã quyết định xử phạt nữa.

TÌNH HUỐNG 02: Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính

Bảo, Nam và Giang cùng học chung lớp tại trường chuyên nghiệp. Vào ngày sinh nhật của Nam, do bố, mẹ đều đi vắng nên Giang đã rủ Nam và Bảo về nhà mình để tổ chức sinh nhật. Đến 23 giờ tiệc sinh nhật vẫn chưa tàn, ba bạn tiếp tục mở nhạc to để hát và nhảy. Ông Bình là hàng xóm đã sang nhắc nhở, yêu cầu ba bạn tắt nhạc, giữ yên tĩnh chung cho khu dân cư nhưng ba bạn không nghe mà còn mở nhạc to hơn, do đó ông Bình đã báo Công an xã Y để lập biên bản vi phạm hành chính đối với Bảo, Nam và Giang về hành vi “Làm ồn ào tại khu dân cư trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau”. Trưởng Công an xã Y đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Bảo, Nam và Giang về cùng một hành vi vi phạm hành chính. Bảo và Nam không nhất trí với quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cho rằng 03 người thực hiện một hành vi vi phạm hành chính nên chỉ được xử phạt một người thôi.

Hỏi: Quan điểm của Bảo và Nam là đúng hay sai, tại sao?

Trả lời:

Quan điểm của Bảo và Nam là sai, vì:

Điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính như sau: “Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó”.

Theo đó, Bảo, Nam và Giang cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.

TÌNH HUỐNG 03: Áp dụng hình thức xử phạt  

Anh Dũng bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Q lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi Thả rông động vật nuôi nơi công cộng”. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Q đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Dũng bằng hình thức xử phạt chính là “Cảnh cáo” và hình thức phạt bổ sung là “Phạt tiền”.

Hỏi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Q ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức xử phạt chính là “Cảnh cáo” và hình thức xử phạt bổ sung là “Phạt tiền” là đúng hay sai, tại sao?

Trả lời:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Q ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức xử phạt chính là “Cảnh cáo” và hình thức xử phạt bổ sung là “Phạt tiền” là sai, vì:

Khoản 2 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định như sau: Hình thức xử phạt “Cảnh cáo” và “Phạt tiền” chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính.

Theo đó, hình thức “Phạt tiền” chỉ được áp dụng là hình thức xử phạt chính, không được áp dụng là hình thức xử phạt bổ sung, do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Q áp dụng hình thức phạt bổ sung là “Phạt tiền” là sai.

TÌNH HUỐNG 04: Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã

Anh Bình bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép”. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Bình với mức phạt tiền là 7.500.000 đồng. Khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính anh Bình không nhất trí vì cho rằng Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền như vậy là không đúng thẩm quyền.

Hỏi: Quan điểm của anh Bình cho rằng Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền là đúng hay sai, tại sao?

Trả lời:

Quan điểm của anh Bình cho rằng Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền là đúng, vì:

Điểm b Khoản 1 Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như sau: “Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng”. Theo quy định trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được phạt tiền đối với cá nhân tối đa không quá 5.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép” được thực hiện theo quy định của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó Điểm b Khoản 1 Điều 68 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Theo đó, trong trường hợp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H quyết định phạt tiền 7.500.000 đồng đối với anh Bình là không đúng thẩm quyền.

TÌNH HUỐNG 05: Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện

Anh Quảng bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện K lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi Làm suy giảm chất lượng đất với diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện K đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Quảng với mức phạt tiền là 100.000.000 đồng. Anh Quảng không nhất trí với quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện K vì cho rằng Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện K quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền như vậy là không đúng thẩm quyền và khiếu nại đối với quyết định xử phạt đó.

Hỏi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện K xử phạt như vậy có đúng thẩm quyền không, tại sao?

Trả lời:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện K xử phạt như vậy là đúng thẩm quyền, vì:

Điểm b Khoản 2 Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau: Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 100.000.000 đồng”. Theo quy định này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt tiền đối với cá nhân với mức tối đa 100.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi Làm suy giảm chất lượng đất với diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên được thực hiện theo quy định của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (đã được sửa đổi, bổ sung), trong đó Khoản 2 Điều 38 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt tiền đối với cá nhân đến 100.000.000 đồng.

Căn cứ các quy định nêu trên thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện K xử phạt như vậy là đúng thẩm quyền.

TÌNH HUỐNG 06: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng

Ngày 01/3/2022, ông Hải bị Chủ tịch UBND xã K lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi “Tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống khu vực xung quanh, sau khi được nhắc nhở và bị lập biên bản vi phạm hành chính, ngay sau đó ông Hải đã thực hiện các biện pháp khắc phục, dùng bạt che để thi công công trình, không để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống khu vực xung quanh nữa. Ngày 01/5/2024 ông Hải nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND xã K (Quyết định ngày 01/5/2024), xử phạm vi phạm hành chính đối với ông về hành vi vi phạm hành chính trên.

Hỏi: Việc xử phạm vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND xã K có đúng về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời:

Việc xử phạm vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND xã K không đúng về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính vì đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:

Điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:

“Điều 6. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

a)  Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:

Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;

b) Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được quy định như sau:

Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm”.

Theo quy định trên, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng là 02 năm; đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Hành vi vi phạm hành chính của ông Hải đã chấm dứt từ ngày 01/3/2022, đến ngày 01/5/2024 Chủ tịch UBND xã K mới ban hành quyết định xử phạt, đã quá thời hạn 02 năm và hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

TÌNH HUỐNG 07: Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính

Ngày 20/10/2023, anh Quảng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Cho người khác sử dụng giấy tờ hộ tịch của mình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật” với mức phạt tiền là 6.000.000 đồng. Ngày 10/5/2024, anh Quảng có khai lý lịch, làm hồ sơ để đi xin việc, anh băn khoăn không biết đến thời điểm này anh có được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính không.

Hỏi: Anh Quảng đã được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính không?

Trả lời:

Anh Quảng chưa được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, vì:

Khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính như sau “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính”.

Theo quy định trên, thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền mà không tái phạm. Anh Quảng bị xử phạt vi phạm hành chính ngày 20/10/2023, đến ngày 10/5/2024 chưa đủ 01 năm, do đó, chưa được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính.

TÌNH HUỐNG 08: Nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả

Ông An bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Lắp đặt thiết bị, đường ống để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường” với hình thức phạt chính là phạt tiền 900.000.000 đồng và biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc phá dỡ công trình, thiết bị được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường”“Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi lắp đặt thiết bị, đường ống để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường”. Ông An không đồng ý với quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì cho rằng hành vi vi phạm của ông chỉ được áp dụng 01 biện pháp khắc phục hậu quả, quyết định buộc ông phải thực hiện 02 biện pháp khắc phục hậu quả là sai.

Hỏi: Quan điểm của ông An là đúng, hay sai, tại sao?

Trả lời:

Quan điểm của ông An là sai, vì:

Khoản 2 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau: “Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo quy định trên, đối với mỗi vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Trong trường hợp này, quyết định xử phạt vi phạm hành chính buộc ông An thực hiện 02 biện pháp khắc phục hậu quả là đúng quy định.

TÌNH HUỐNG 09: Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản

Ông Quảng trong quá trình điều khiển xe ô tô khi chuyển hướng đã không nhường quyền đi trước cho người đi bộ, hành vi của ông Quảng đã bị chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ với mức phạt tiền 300.000 đồng mà không lập biên bản vi phạm hành chính.

Hỏi: Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ với mức phạt tiền 300.000 đồng mà không lập biên bản vi phạm hành chính là đúng hay sai, tại sao?

Trả lời:

Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ với mức phạt tiền 300.000 đồng mà không lập biên bản vi phạm hành chính là sai, vì:

Khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản như sau: “Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ”.

Theo quy định trên, việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa 250.000 đồng đối với cá nhân. Trong trường hợp này, Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ không lập biên bản vi phạm hành chính mà ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ với mức phạt tiền 300.000 đồng là sai vì vượt quá số tiền tối đa được phạt khi không lập biên bản vi phạm hành chính.

TÌNH HUỐNG 10: Nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả

Anh Hòa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Tẩy xoá làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký kết hôn” với hình thức phạt tiền 2.000.000 đồng (mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi này đối với cá nhân là 3.000.000 đồng). Anh Hòa không nhất trí với quyết định xử phạt vì cho rằng người có thẩm quyền xử phạt không cho anh thực hiện quyền “giải trình”.

Hỏi: Trong trường hợp này anh Hòa có quyền được “giải trình” không, tại sao?

Trả lời:

Trong trường hợp này anh Hòa không có quyền “giải trình”, vì:

Khoản 1 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về giải trình như sau: “Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc quy định mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính để ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức không yêu cầu giải trình”.

Theo quy định trên, cá nhân vi phạm hành chính được quyền giải trình trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật có quy định mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân. Trong trường hợp này, mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm của anh Hòa “Tẩy xoá làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký kết hôn” là 3.000.0000 đồng, do đó không thuộc trường hợp được “giải trình”.

TÌNH HUỐNG 11: Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính

Ông An bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh H xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Lắp đặt thiết bị, đường ống để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường”. Hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường của ông An đã gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội nên Ủy ban nhân dân tỉnh H đã công bố công khai quyết định xử phạt trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh H. Khi thấy quyết định xử phạt mình được công khai, ông An đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh H không công khai quyết định đó vì cho rằng đây là thông tin cá nhân không được quyền công khai.

Hỏi: Việc Ủy ban nhân dân tỉnh H công bố công khai quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông An trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh H là đúng hay sai, tại sao?

Trả lời:

Việc Ủy ban nhân dân tỉnh H công bố công khai quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông An trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh H là đúng, vì:

Khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính như sau: “Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt”.

Trong trường hợp này, hành vi vi phạm hành chính của ông An là về lĩnh vực bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội, thuộc trường hợp được công khai theo quy định trên, do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh H công bố công khai quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông An trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh H là đúng.

TÌNH HUỐNG 12: Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Ngày 01/3/2024, ngay sau khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với mình, bà Hoa đã khiếu nại quyết định đó đến cơ quan có thẩm quyền. Ngày 10/3/2024, cơ quan có thẩm quyền đã yêu cầu bà Hoa thực hiện quyết định xử phạt, bà Hoa không đồng ý và cho rằng bà đang khiếu nại đối với quyết định đó nên không phải thi hành quyết định xử phạt, khi nào có quyết định giải quyết khiếu nại thì bà mới thi hành quyết định xử phạt.

Hỏi: Quan điểm của bà Hoa cho rằng bà đang khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính nên không phải thi hành quyết định xử phạt là đúng hay sai, tại sao?

Trả lời:

Quan điểm của bà Hoa cho rằng bà đang khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính nên không phải thi hành quyết định xử phạt là sai, vì:

Khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:

“1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Khoản 3 Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định Trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật”.

Theo quy định trên, trường hợp cá nhân bị xử phạt khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt. Trong trường hợp này, bà Hoa khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính và không có quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền, do đó bà Hoa vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt hành chính.

TÌNH HUỐNG 13: Nộp tiền phạt nhiều lần

Ông Thành bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 10.000.000 đồng. Do đang có khó khăn về kinh tế nên ông Thành đã đề nghị được nộp tiền phạt nhiều lần. Cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt khi tiếp nhận đề nghị của ông Thành đã từ chối đề nghị của ông Thành và yêu cầu ông Thành phải thực hiện nộp phạt một lần vì mức mức tiền phạt của ông chưa đến mức được nộp phạt nhiều lần.

Hỏi: Cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt từ chối đề nghị của ông Thành là đúng hay sai, tại sao?

Trả lời:

Cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt từ chối đề nghị của ông Thành là đúng, vì:

Khoản 1 Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về nộp tiền phạt nhiều lần như sau:

“1. Việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 150.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức”.

Theo đó, việc nộp phạt nhiều lần được áp dụng khi mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân. Trong trường hợp này, ông Thành bị phạt tiền 10.000.000 đồng, chưa đến mức được áp dụng nộp phạt nhiều lần, do đó, cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt từ chối đề nghị của ông Thành là đúng.

TÌNH HUỐNG 14: Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên

Cháu Hoàng – 15 tuổi bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Q xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Trộm cắp tài sản” với mức phạt tiền 2.500.000 đồng. Do cháu Hoàng không có tiền nộp phạt nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Q yêu cầu bố, mẹ của cháu Hoàng phải nộp thay. Bố, mẹ của cháu Hoàng không đồng ý với quyết định xử phạt vì cho rằng cháu Hoàng mới 15 tuổi, do đó không được áp dụng hình thức phạt tiền.

Hỏi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Q áp dụng hình thức phạt tiền đối với cháu Hoàng là đúng hay sai, tại sao?

Trả lời:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Q áp dụng hình thức phạt tiền đối với cháu Hoàng là sai, vì:

Khoản 3 Điều 34 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định như sau:

“3. Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính.

Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền.

Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; bị buộc phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật này thì số tiền nộp vào ngân sách nhà nước bằng 1/2 trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay”.

Theo quy định trên, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền. Trong trường hợp này, cháu Hoàng mới 15 tuổi nên không được áp dụng hình thức phạt tiền đối với Hoàng, do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Q áp dụng hình thức phạt tiền đối với cháu Hoàng là sai.

TÌNH HUỐNG 15: Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính

Anh Thảo có con trai là Thành - 16 tuổi. Anh Thảo muốn biết pháp luật quy định có những biện pháp nào thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên?

Trả lời:

Điều 138 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định, các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên bao gồm:

(1) Nhắc nhở;

(2) Quản lý tại gia đình;

(3) Giáo dục dựa vào cộng đồng./.






Tổng số: 987 | Trang: 1 trên tổng số 99 trang  
Xem tin theo ngày:     Tháng:    Năm: