icon icon icon
10 câu hỏi pháp luật về công tác dân tộc
Thứ Ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024 - 13:54 - Lượt xem: 32

Ngày 14/01/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc, có hiệu lực từ ngày 04/3/2011 (sau đây viết tắt là Nghị định số 05/2011/NĐ-CP).

Ông/ bà hãy trả lời câu hỏi trắc nghiệm dưới dây bằng cách lựa chọn đáp án đúng nhất.

Câu 1: “Dân tộc đa số” là dân tộc có số dân chiếm bao nhiêu % tổng dân số của cả nước, theo điều tra dân số quốc gia?

A. Trên 40%

B. Trên 50%

C. Trên 60%

D. Trên 70%

* Đáp án: B

* Quy định của pháp luật: Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP: ‘Điều 4. Giải thích từ ngữ …. 3. “Dân tộc đa số” là dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước, theo điều tra dân số quốc gia”.

Câu 2: Theo quy định của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, thì “Dân tộc thiểu số” được quy định như thế nào?

A. Là những dân tộc sinh sống ở miền núi

B. Là những dân tộc sinh sống ở vùng sâu, vùng xa

C. Là những dân tộc sinh sống ở sát biên giới Việt Nam

D. Là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

* Đáp án: D

* Quy định của pháp luật: Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP: ‘Điều 4. Giải thích từ ngữ…. 2. “Dân tộc thiểu số” là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

Câu 3: Theo quy định của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, thì “Vùng dân tộc thiểu số” được quy định như thế nào?

A. Là địa bàn có đông các dân tộc thiểu số cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

B. Là địa bàn có đông các dân tộc thiểu số

C. Là địa bàn có một số dân tộc thiểu số cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

D. Là địa bàn gần biên giới Việt Nam.

* Đáp án: A

* Quy định của pháp luật: Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP: ‘Điều 4. Giải thích từ ngữ…. 4. “Vùng dân tộc thiểu số” là địa bàn có đông các dân tộc thiểu số cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

Câu 4: “Dân tộc thiểu số rất ít người” là dân tộc có số dân dưới bao nhiêu người?

A. Dưới 5.000 người

B. Dưới 10.000 người

C. Dưới 15.000 người

D. Dưới 20.000 người

* Đáp án: B

* Quy định của pháp luật: Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP: ‘Điều 4. Giải thích từ ngữ…. 5. “Dân tộc thiểu số rất ít người” là dân tộc có số dân dưới 10.000 người.”

Câu 5: Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam được tổ chức định kỳ mấy năm một lần?

A. 30 năm

B. 20 năm

C. 10 năm

D. 05 năm

* Đáp án: C

* Quy định của pháp luật: Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP: ‘Điều 6. Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số…. 1. Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam được tổ chức định kỳ 10 năm một lần”

Câu 6: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện được tổ chức định kỳ mấy năm một lần?

A. 30 năm

B. 20 năm

C. 10 năm

D. 05 năm

* Đáp án: D

* Quy định của pháp luật: Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP: ‘Điều 6. Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số…. 2. Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện được tổ chức định kỳ 05 năm một lần”.

Câu 7: Nghị định số 05/2011/NĐ-CP quy định có bao nhiêu chính sách dành cho dân tộc?

A. 10 chính sách

B. 11 chính sách

C. 12 chính sách

D. 13 chính sách

* Đáp án: D

* Quy định của pháp luật: Chương 2 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP (từ Điều 8 đến Điều 20): ‘Chương 2. Chính sách dân tộc: (1) Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực; (2) Chính sách đầu tư phát triển bền vững; (3) Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; (4) Chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số; (5) Chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số; (6) Chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa; (7) Chính sách phát triển thể dục, thể thao vùng dân tộc thiểu số; (8) Chính sách phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số; (9) Chính sách y tế, dân số; (10) Chính sách thông tin - truyền thông; (11) Chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; (12) Chính sách bảo vệ môi trường, sinh thái; (13) Chính sách quốc phòng, an ninh.

Câu 8: Cơ quan nào có thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý?

A. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố

B. Bộ Tư pháp

C. Bộ Nội vụ

D. Ủy ban Dân tộc

* Đáp án: B

* Quy định của pháp luật: Khoản 4 Điều 18 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP: ‘Điều 18. Chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý …. 4. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung Điều này”

Câu 9: Cơ quan nào thống nhất quản lý nhà nước về công tác dân tộc?

A. Quốc hội

B. Chính phủ

C. Toà án nhân dân tối cao

D. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố

* Đáp án: B

* Quy định của pháp luật: Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP: ‘Điều 22. Cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc…. 1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác dân tộc”

Câu 10: Cơ quan nào có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước?

A. Văn phòng Chính phủ

B. Bộ Tư pháp

C. Bộ Nội vụ

D. Ủy ban Dân tộc

* Đáp án: D

* Quy định của pháp luật: Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP: ‘Điều 22. Cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc…. 2. Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước”





Xem tin theo ngày:     Tháng:    Năm: