icon icon icon
Hỏi - đáp Quy định của pháp luật Tín ngưỡng, tôn giáo về cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng tôn giáo
Thứ Ba, ngày 9 tháng 4 năm 2024 - 15:54 - Lượt xem: 1.027

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV, tại Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Ngày 29/12/2023; Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, có hiệu lực từ ngày 30/3/2024 (sau đây viết tắt là Nghị định số 95/2023/NĐ-CP).

 

Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang giới thiệu quy định của pháp luật Tín ngưỡng, tôn giáo về Cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng tôn giáo thông qua nội dung Hỏi – đáp dưới đây.

 

1. HỎI: Tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo khi đáp ứng đủ những điều kiện gì?

ĐÁP:

Điều 37 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo thì phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

1. Có cơ sở vật chất bảo đảm cho việc đào tạo;

2. Có địa điểm hợp pháp để đặt cơ sở đào tạo;

3. Có chương trình, nội dung đào tạo; có môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam trong chương trình đào tạo;

4. Có nhân sự quản lý và giảng dạy đáp ứng yêu cầu đào tạo.

2. HỎI: Trình tự, thủ tục thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo được quy định như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền chấp thuận thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo?

ĐÁP:

Điều 38 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, như sau:

1. Trước khi thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.

2. Hồ sơ đề nghị gồm:

- Văn bản đề nghị thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo nêu rõ tên tổ chức tôn giáo, tên cơ sở đào tạo, họ và tên người đại diện cơ sở đào tạo, sự cần thiết thành lập cơ sở đào tạo;

- Danh sách, sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp, bản tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người đại diện và những người dự kiến lãnh đạo cơ sở đào tạo;

- Dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở đào tạo gồm các nội dung cơ bản: tên cơ sở đào tạo; địa điểm đặt trụ sở; chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu tổ chức, nhân sự; trình độ, loại hình đào tạo; chương trình, nội dung giảng dạy và chuẩn đào tạo của từng trình độ đào tạo; tài chính, tài sản;

- Dự thảo quy chế tuyển sinh của cơ sở đào tạo;

- Giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp và cơ sở vật chất bảo đảm cho việc đào tạo; ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về địa điểm đặt cơ sở đào tạo tôn giáo.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

4. Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, tổ chức tôn giáo có văn bản thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo. Hết thời hạn 03 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, nếu tổ chức tôn giáo không thành lập cơ sở đào tạo thì văn bản chấp thuận hết hiệu lực.

5. Cơ sở đào tạo tôn giáo không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

3. HỎI: Hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo được quy định như thế nào?

ĐÁP:

Điều 39 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo, như sau:

1. Chậm nhất là 20 ngày trước khi cơ sở đào tạo tôn giáo bắt đầu hoạt động, người đại diện cơ sở đào tạo tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương về hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo kèm theo văn bản thành lập, quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tuyển sinh, danh sách thành viên ban lãnh đạo, báo cáo về nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất để bảo đảm hoạt động.

2. Việc tổ chức đào tạo, tuyển sinh của cơ sở đào tạo tôn giáo thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tuyển sinh đã thông báo.

3. Cơ sở đào tạo tôn giáo khi sửa đổi quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tuyển sinh phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương. Văn bản đăng ký nêu rõ lý do, nội dung thay đổi kèm theo quy chế sửa đổi. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do. Cơ sở đào tạo tôn giáo được hoạt động theo quy chế sửa đổi sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

4. Cơ sở đào tạo tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về kết quả đào tạo của từng khóa học với cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày kết thúc khóa học. Văn bản thông báo nêu rõ tên cơ sở đào tạo tôn giáo, khóa đào tạo, số học viên tốt nghiệp.

5. Việc theo học của người nước ngoài tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam thực hiện theo quy định người nước ngoài học tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam.

4. HỎI: Cơ quan nào có thẩm quyền hướng dẫn chương trình, nội dung giảng dạy môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam trong đào tạo tôn giáo?

ĐÁP:

Điều 40 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, các cơ quan liên quan hướng dẫn chương trình, nội dung giảng dạy môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam.

5. HỎI: Việc mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo được quy định như thế nào?

ĐÁP:

Điều 41 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định về mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo, như sau:

1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc mở lớp bồi dưỡng người chuyên hoạt động tôn giáo có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký đến cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi mở lớp. Văn bản đăng ký nêu rõ tên lớp, địa điểm, lý do, thời gian học, nội dung, chương trình, thành phần tham dự, danh sách giảng viên.

Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.

2. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo nhưng không thuộc trường hợp bồi dưỡng người chuyên hoạt động tôn giáo thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi mở lớp chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai giảng. Văn bản thông báo nêu rõ tên lớp, địa điểm, lý do, thời gian học, nội dung, chương trình, thành phần tham dự, danh sách giảng viên.

Trường hợp việc mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo có hành vi bị nghiêm cấm, Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản yêu cầu tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc không tổ chức hoặc dừng việc mở lớp bồi dưỡng.

6. HỎI: Việc giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo được quy định như thế nào?

ĐÁP:

Điều 42 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định về việc giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo, như sau:

1. Cơ sở đào tạo tôn giáo giải thể trong trường hợp sau:

- Theo quyết định của tổ chức tôn giáo;

- Hết thời hạn 03 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận việc thành lập, cơ sở đào tạo tôn giáo không tổ chức được hoạt động đào tạo;

- Hết thời hạn bị đình chỉ hoạt động đào tạo tôn giáo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ.

2. Tổ chức tôn giáo có quyền giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo. Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có quyền giải thể hoặc yêu cầu tổ chức tôn giáo giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo trong trường hợp hết thời hạn 03 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận việc thành lập, cơ sở đào tạo tôn giáo không tổ chức được hoạt động đào tạo và hết thời hạn bị đình chỉ hoạt động đào tạo tôn giáo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ.

Tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo về việc giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày giải thể.

7. HỎI: Trình tự, thủ tục giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo theo quyết định của tổ chức tôn giáo được quy định như thế nào?

ĐÁP:

Điều 18 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo theo quyết định của tổ chức tôn giáo, như sau:

1. Tổ chức tôn giáo giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo theo quyết định của tổ chức có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.

2. Hồ sơ đề nghị gồm:

- Văn bản đề nghị nêu rõ tên, người đại diện, trụ sở của tổ chức tôn giáo; tên, người đại diện, trụ sở, cơ cấu tổ chức của cơ sở đào tạo tôn giáo; lý do và dự kiến thời điểm giải thể;

- Bản kê khai tài sản, tài chính;

- Phương thức xử lý tài sản, tài chính và thời hạn thanh toán các khoản nợ (nếu có); phương thức giải quyết quyền lợi của học viên và những người có liên quan.

3. Cơ sở đào tạo tôn giáo có trách nhiệm đăng thông báo thời hạn thanh toán các khoản nợ (nếu có) cho các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định sau:

- Trên 05 số liên tiếp của báo in ra hàng ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên báo điện tử ở trung ương đối với cơ sở đào tạo tôn giáo có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh;

- Trên 05 số liên tiếp của báo in ra hàng ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên báo điện tử ở địa phương đối với cơ sở đào tạo tôn giáo có địa bàn hoạt động ở một tỉnh.

4. Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chấp thuận cho tổ chức tôn giáo giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày hết thời hạn thanh toán các khoản nợ (nếu có) và thanh lý tài sản, tài chính ghi trong thông báo của tổ chức mà không có khiếu nại; trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày được chấp thuận việc giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo và nộp lại cho cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương các văn bản sau:

- Bản chính văn bản chấp thuận thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Bản chính văn bản thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo của tổ chức tôn giáo;

- Giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận của cơ quan công an về việc cơ sở đào tạo tôn giáo bị giải thể đã nộp, hủy con dấu theo quy định.

6. Chậm nhất 20 ngày kể từ ngày cơ sở đào tạo tôn giáo bị giải thể, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương. Văn bản thông báo nêu rõ tên, người đại diện, trụ sở của tổ chức tôn giáo; tên, người đại diện, trụ sở của cơ sở đào tạo tôn giáo bị giải thể; thời điểm giải thể.

8. HỎI: Trình tự, thủ tục giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo trong trường hợp hết thời hạn 03 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận việc thành lập, cơ sở đào tạo tôn giáo không tổ chức được hoạt động đào tạo và trường hợp hết thời hạn bị đình chỉ hoạt động đào tạo tôn giáo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ được quy định như thế nào?

ĐÁP:

Điều 19 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo trong trường hợp hết thời hạn 03 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận việc thành lập, cơ sở đào tạo tôn giáo không tổ chức được hoạt động đào tạo và trường hợp hết thời hạn bị đình chỉ hoạt động đào tạo tôn giáo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ được quy định, như sau:

1. Trước 60 ngày dự kiến giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo trong trường hợp hết thời hạn 03 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận việc thành lập, cơ sở đào tạo tôn giáo không tổ chức được hoạt động đào tạo hoặc hết thời hạn bị đình chỉ hoạt động đào tạo tôn giáo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức tôn giáo và cơ sở đào tạo tôn giáo về việc cơ sở đào tạo tôn giáo bị giải thể.

Văn bản thông báo nêu rõ tên, người đại diện, trụ sở của tổ chức tôn giáo; tên, người đại diện, trụ sở của cơ sở đào tạo tôn giáo bị giải thể; cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương hoặc tổ chức tôn giáo chịu trách nhiệm giải thể; lý do, dự kiến thời điểm giải thể kèm theo kết luận của cơ quan nhà nước có chức năng thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo về việc cơ sở đào tạo tôn giáo không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến bị đình chỉ hoạt động đào tạo tôn giáo đối với trường hợp hết thời hạn bị đình chỉ hoạt động đào tạo tôn giáo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ.

2. Trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương thông báo về việc giải thể đối với trường hợp hết thời hạn 03 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận việc thành lập, cơ sở đào tạo tôn giáo không tổ chức được hoạt động đào tạo, cơ sở đào tạo tôn giáo có trách nhiệm gửi văn bản giải trình đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.

Sau 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải trình, nếu cơ sở đào tạo tôn giáo không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ thì cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương ra quyết định giải thể hoặc yêu cầu tổ chức tôn giáo giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo.

3. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương thông báo về việc giải thể đối với trường hợp hết thời hạn 03 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận việc thành lập, cơ sở đào tạo tôn giáo không tổ chức được hoạt động đào tạo, cơ sở đào tạo tôn giáo bị giải thể có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự. Hết thời hạn trên, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương ra quyết định giải thể hoặc yêu cầu tổ chức tôn giáo giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo.

4. Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương ra quyết định giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo; bãi bỏ và thu hồi các văn bản sau:

- Văn bản chấp thuận thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Bản chính văn bản thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo của tổ chức tôn giáo;

- Giấy chứng nhận hoặc xác nhận của cơ quan công an về việc đã nộp, hủy con dấu theo quy định.

5. Trường hợp tổ chức tôn giáo giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương, chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày có yêu cầu, tổ chức tôn giáo giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo có trách nhiệm nộp lại cho cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương các văn bản gồm: (1) Bản chính văn bản chấp thuận thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (2) Bản chính văn bản thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo của tổ chức tôn giáo; (3) Giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận của cơ quan công an về việc cơ sở đào tạo tôn giáo bị giải thể đã nộp, hủy con dấu theo quy định và thông báo bằng văn bản về việc giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương. Văn bản thông báo nêu rõ tên, người đại diện, trụ sở của tổ chức tôn giáo; tên, người đại diện, trụ sở của cơ sở đào tạo tôn giáo bị giải thể; thời điểm giải thể./.





Xem tin theo ngày:     Tháng:    Năm: