Sức cuốn hút của công việc...
Nhớ lại khi huyện Lâm Bình mới được thành lập, đầu những năm 2012, chúng tôi đã thực hiện những đợt trợ giúp pháp lý lưu động... Đi sâu vào xã Bình An, vượt qua con đường đất đá gồ ghề vắt ngang lưng chừng núi, với những cua, dốc hiểm trở, một bên là vực sâu mà những người thực hiện trợ giúp pháp lý thường xuyên gắn bó với thôn, bản như chúng tôi còn cảm thấy sợ... Lên tới đỉnh đèo Khau Lắc, trước mắt chúng tôi thủ phủ của huyện Lâm Bình hiện ra trong mờ sương, hai bên với những dãy núi đá cao ngất, làng bản tựa vào núi rừng, nằm gọn trong thung lũng; con đường qua bản Khiển thẳng tắp nằm giữa hai dãy nhà sàn chắc chắn, mây trắng lững lờ trên sườn núi, màu xanh của núi rừng hùng vĩ, màu vàng của cánh đồng lúa chín tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, riêng có của huyện Lâm Bình. Xuống chân đèo, qua hai tràn suối, điều đầu tiên chúng tôi thấy là "trụ sở" các cơ quan của huyện: Trường học, nhà dân được huy động tạm sử dụng làm trụ sở, để phân biệt được "trụ sở" cơ quan với nhà dân là những tấm biển tên cơ quan còn rất mới, được gắn vào những ngôi nhà, mà có lẽ nhân dân đã giành ra để chung sức gánh vác khó khăn với cấp ủy, chính quyền cùng xây dựng một huyện mới Lâm Bình trẻ, đầy tiềm năng và phát triển toàn diện.
Đón chúng tôi ngay đập tràn qua suối, vào phòng Tư pháp huyện là một gian nhà cấp 4, tường mới trát còn chưa khô hẳn, đồng chí Nguyễn Văn Dư, Trưởng phòng Tư pháp huyện (lúc đó) rất vui mừng nói: "Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng được huyện quan tâm, phòng Tư pháp mới được chuyển trụ sở ra đây vài hôm, ở đây rộng rãi hơn và rất thuận tiện cho công việc".
Ngày làm việc đầu tiên, từ trung tâm huyện lên đường lúc 6 giờ sáng, Đoàn chúng tôi đến xã Phúc Yên. Qua Ủy ban nhân dân xã khoảng 500m, chiếc xe ô tô hai cầu dù đã cố gắng "gầm gừ" xong cũng đành "bất lực" trước con đường trơn trượt, lầy thụt, đành ở lại... Trời tiếp tục mưa, vượt qua đèo Khau Cau, giữa những im lặng của núi rừng hùng vĩ, thỉnh thoảng tiếng chim "bắt tép kho cà" và "bắt cô trói cột" cất lên trong veo như đón chào. Tưởng như bị lạc giữa rừng, nhưng nhớ lời đồng chí cán bộ xã: "Chúng tôi đã cử đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và đồng chí Tư pháp vào từ chiều hôm qua để chuẩn bị bố trí và tập trung bà con. Ở đây chỉ có một đường duy nhất để vào bản Khau Cau", Đoàn chúng tôi lại tiếp tục lên đèo, xuống dốc. Vượt qua chặng đường dài, mấy thửa ruộng lúa vàng và vài ngôi nhà sàn thấp thoáng dưới chân núi, chúng tôi yên tâm đi tiếp. Trên đường đi, đã mất già nửa buổi sáng, chúng tôi không khỏi băn khoăn, lo lắng bị lỡ hẹn, bà con đợi lâu sẽ về mất... Đến "Hội trường" tổ chức buổi trợ giúp pháp lý lưu động, là một dãy nhà gỗ 5 gian rất rộng, đông kín người ngồi chật hai dãy bàn ghế, ngoài hè còn rất nhiều người đứng, ngồi xung quanh, các bà, các chị với những bộ váy áo của người dân tộc Dao đỏ tươi thắm, chúng tôi rất bất ngờ và phấn khởi, tan biến những mệt nhọc vừa trải qua, đồng thời cảm nhận thấy sự đón chào, tin tưởng và mong muốn tìm hiểu, học tập pháp luật của bà con, tiếc rằng đường xa, không có phương tiện nên Đoàn không mang theo được nhiều tài liệu pháp luật cho họ. Với trên 200 hộ là người dân tộc Dao ở bản Khau Cau, bản Nà Khậu, đây là lần đầu tiên được nghe và biết về trợ giúp pháp lý, được yêu cầu tư vấn, hướng dẫn giải đáp những vướng mắc pháp luật, biết về quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý là một chính sách trong Chương trình Giảm nghèo của Nhà nước, ưu tiên cho người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số..., giúp họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật; góp phần thực hiện và phát huy dân chủ, bảo đảm công bằng xã hội.
Đến với Bản Khiển xã Lăng Can, rất nhiều người dân đã tập trung, chờ đón Đoàn. Bà con yêu cầu hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc pháp luật, chủ yếu về dân sự, đất đai, mặc dù đã được cán bộ huyện, cán bộ xã phổ biến, tuyên truyền, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến chưa yên tâm và thắc mắc về việc bồi thường giải phóng mặt bằng... Sau khi Đoàn trợ giúp pháp lý phân tích, giải thích có tình, có lý, theo đúng quy định pháp luật, người dân đã hiểu và nhận thức rõ việc sớm bàn giao mặt bằng cho nhà nước là góp phần chia sẻ những khó khăn và thúc đẩy quá trình xây dựng trung tâm huyện mới. Rất mộc mạc, đ/c Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lăng Can (lúc đó) chia sẻ: "Đây là dịp hiếm có để bà con được nâng cao hiểu biết pháp luật, chúng tôi mong muốn Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thường xuyên tổ chức đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại thôn, bản để giúp cho xã hướng dẫn, giải thích và vận động nhân dân chấp hành pháp luật. Hôm nay cán bộ tỉnh nói thì bà con nghe ngay, không thắc mắc nữa"!
Những ngày đến với bản Piát (Thổ Bình), Lũng Luông (Hồng Quang), Nà Đông, Bản Bó (Thượng Lâm), ở đâu Đoàn trợ giúp pháp lý cũng nhận được sự quan tâm, phối hợp của Ủy ban nhân dân xã và đông đảo người dân tập trung, lắng nghe, yêu cầu hướng dẫn, giải đáp, tư vấn pháp luật để giải quyết những vướng mắc trong vụ việc cụ thể về dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình, chế độ chính sách..., những câu chuyện pháp luật đã làm cho không khí buổi trợ giúp pháp lý vui vẻ, thu hút sự chú ý của nhân dân. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thổ Bình nói: “Trợ giúp pháp lý lưu động rất có lợi cho người dân và Ủy ban nhân dân xã. Cứ nhìn bà con đến chật Nhà Văn hóa là đủ biết hoạt động này cuốn hút họ tới đâu”! Đoàn chúng tôi đều thấy vui khi được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền cơ sở trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho nhân dân và sự tin tưởng của người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần được trợ giúp pháp lý.
Niềm vui của nghề trợ giúp pháp lý còn được mang đến trong việc tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý. Qua những vụ việc tố tụng, gặp những con người, hoàn cảnh cụ thể, có những tranh chấp, vi phạm pháp luật do người dân cố ý hoặc thiếu ý thức, nhưng cũng có những vi phạm rất đáng tiếc, do không kiềm chế được hành vi của mình, do thiếu hiểu biết pháp luật... Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, chúng tôi đã gặp người dân, tìm hiểu về nhân thân, hoàn cảnh, động cơ phạm tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xác minh vụ việc, tìm những chứng cứ pháp lý, nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị tài liệu..., hướng dẫn, giúp đỡ pháp luật và động viên người dân, đôi khi anh em trợ giúp pháp lý còn góp tiền để giúp đỡ những người già, trẻ em, người nghèo khó khăn... rồi nhận được một vài câu nói mộc mạc, có khi là cả nước mắt từ người được trợ giúp pháp lý hoặc những ánh mắt thay cho lời cảm ơn của người đứng trước vành móng ngựa... cũng là niềm vui và nguồn động viên lớn cho chúng tôi - những người yêu nghề trợ giúp pháp lý và luôn muốn chia sẻ, giúp đỡ người khác!
Còn nhiều, nhiều những chuyến đi về cơ sở, những vụ việc trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của nhân dân... bằng những kiến thức pháp luật, với trách nhiệm nghề nghiệp và cái tâm của mình, chúng tôi đã giúp đỡ pháp luật cho người dân, mỗi chuyến đi đều cho chúng tôi mong muốn được cống hiến và mang lại cho chúng tôi những niềm vui cùng với sự trưởng thành trong công việc!
... và những trăn trở!
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh được thành lập năm 2004 với 03 biên chế ban đầu. Sau khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 có hiệu lực, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về biên chế, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc... để đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý hướng về cơ sở. Sau một thời gian dài thiếu nguồn tuyển dụng, đến nay, Trung tâm đã có đủ 15 biên chế, tuy nhiên lực lượng trợ giúp viên pháp lý mỏng, số viên chức trẻ nhiều và chưa được đào tạo kỹ năng pháp lý, chưa qua đào tạo nghề, chưa đủ điều kiện bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý, nên chưa thực hiện được vụ việc. Theo quy định của pháp luật, Trung tâm là đơn vị sự nghiệp không có thu, công chức, viên chức không được hưởng phụ cấp công vụ, nên gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ. Nghề trợ giúp pháp lý đòi hỏi phải có kiến thức pháp luật và xã hội, thường xuyên phải đi công tác đến thôn, bản thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động, khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý, xác minh vụ việc, tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng... trong điều kiện địa bàn rộng, đi lại còn khó khăn. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, đặc biệt là trong tham gia tố tụng đòi hỏi phải có kỹ năng nghề nghiệp, có bản lĩnh và khả năng tư duy tốt, phải thực hiện "tranh tụng" với những người tiến hành tố tụng, thực tế còn có những nhìn nhận chưa khách quan về nghề trợ giúp pháp lý, chưa quen có sự tham gia của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, còn cho rằng trợ giúp pháp lý đứng về phía người vi phạm pháp luật, về phía tội phạm, đương sự... đối lập với người tiến hành tố tụng...? Phải chăng trợ giúp pháp lý là một nghề vất vả, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, nhận thức về trợ giúp pháp lý chưa đầy đủ, một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ... trong khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, trước cơ chế của nền kinh tế thị trường, cũng có người đã không đủ khả năng gắn bó với nghề... để rồi có cả những hối tiếc? phảng phất nỗi buồn cho những người làm nghề trợ giúp pháp lý!
trợ giúp pháp lý thuộc chức năng xã hội của Nhà nước, là bộ phận của tổng thể các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo bền vững, chính sách dân tộc, trách nhiệm của Nhà nước đối với người nghèo, người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và những đối tượng yếu thế trong xã hội, nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của mọi người dân trong việc tiếp cận và thực hiện pháp luật, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật, bảo vệ công lý. Là những người thực hiện trợ giúp pháp lý, chúng tôi thấy rõ vinh dự và trách nhiệm trong công việc có ý nghĩa lớn, góp phần bảo đảm nhân quyền, thể hiện tính nhân văn và bản chất của Nhà nước ta, theo Điều 2 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân".
Lại Khoa Lâm - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh