Tình huống pháp luật về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

21/07/2024 - 23:20
68

Ngày 06/3/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, có hiệu lực kể từ ngày 24/4/2018; được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (sau đây viết tắt là Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung năm 2023).

Tình huống 1: Bác Nam là người dân tộc Kinh thường trú tại thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn. Bản thân và gia đình luôn gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bác đã sinh sống lâu đời ở thôn Khuổi Khít nên rất am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, có nhiều đóng góp cho thôn và được người dân nơi đây tín nhiệm, tin tưởng làm theo. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân xã, tới đây thôn sẽ tổ chức họp để bình xét người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, lãnh đạo và các đoàn thể trong thôn đã đề xuất, giới thiệu bác Nam để cộng đồng dân cư trong thôn bình xét, tuy nhiên bác Nam có phân vân, bản thân là người dân tộc Kinh (không phải dân tộc thiểu số) thì có phù hợp với quy định của pháp luật về tiêu chí lựa chọn người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số không?

Trả lời:

Khoản 1, Điều 4 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung năm 2023 quy định, như sau:

Điều 4. Tiêu chí, đối tượng, điều kiện lựa chọn người có uy tín

1. Tiêu chí lựa chọn người có uy tín

a) Là công dân Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

b) Bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

c) Là người tiêu biểu, có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc.

d) Hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư.

đ) Có khả năng tuyên truyền, vận động, nắm bắt, xử lý thông tin và quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, cách ứng xử; được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo,..”

Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 4 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung năm 2023 thì một trong các tiêu chí chọn người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là “không phân biệt thành phần dân tộc”. Thêm vào đó, bác Nam cũng đã đáp ứng các tiêu chí còn lại theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg. Do đó, bác Nam có đầy đủ tiêu chí về người có uy tín  theo quy định của pháp luật để nhân dân trong thôn bình xét, lựa chọn người có uy tín.

Tình huống 2: Vừa qua, thôn An Thịnh xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên có tổ chức họp để bình xét người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, có 02 người là ông Minh và ông Bình đều đáp ứng đủ các tiêu chí lựa chọn người có uy tín và được sự tín nhiệm cao của người dân. Anh Trung là Trưởng thôn muốn biết, mỗi thôn có được lựa chọn từ 02 người có uy tín trở lên không?

Trả lời:

Điểm a, Khoản 3, Điều 4 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung năm 2023 quy định, như sau:

“Điều 4. Tiêu chí, đối tượng, điều kiện lựa chọn người có uy tín

3. Điều kiện, số lượng lựa chọn, công nhận người có uy tín

a) Mỗi thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoặc thôn của xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được lựa chọn, công nhận 01 (một) người có uy tín,..”

Căn cứ quy định trên, thì thôn An Thịnh chỉ được lựa chọn, công nhận 01 (một) người có uy tín. Trong trường hợp này, anh Trung với vai trò là Trưởng thôn có thể tổ chức lấy ý kiến người dân bằng các hình thức phù hợp (như: bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết,..) ai được tín nhiệm cao hơn của người dân thì sẽ tiến hành đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận.

Tình huống 3: Tháng 6/2024, xã N (là xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) có sáp nhập thôn A và thôn B thành 01 thôn mới là thôn AB. Hỏi, khi thôn AB bình xét người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, thì được lựa chọn tối đa bao nhiêu người?

Trả lời:

Điểm b, Khoản 3, Điều 4 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung năm 2023 quy định, như sau:

“Điều 4. Tiêu chí, đối tượng, điều kiện lựa chọn người có uy tín

3. Điều kiện, số lượng lựa chọn, công nhận người có uy tín

b) Trường hợp thôn thành lập mới do sáp nhập các thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoặc thôn của xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kể từ ngày 15/01/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định số lượng người có uy tín được lựa chọn, công nhận nhưng không quá tổng số lượng thôn được sáp nhập

Căn cứ quy định trên, vào tháng 6/2024, thôn AB được sáp nhập từ 02 thôn (là thôn A và thôn B), do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện là người có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng người có uy tín được lựa chọn, công nhận nhưng không quá tổng số lượng thôn được sáp nhập (trong trường hợp này, người thôn AB được lựa chọn, công nhận tối đa là 02 người có uy tín).

Tình huống 4: Bác Tùng là người có uy tín của thôn X, xã Y, huyện  S. Bác là người rất thích đọc báo và cập nhật các thông tin thời sự để kịp thời phổ biến đến người dân nên muốn biết hiện nay Nhà nước có những chế độ, chính sách gì cung cấp thông tin cho người có uy tín?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 5 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, được sửa đổi, bổ sung năm 2023 quy định chế độ, chính sách về cung cấp thông tin, như sau:

- Định kỳ hoặc đột xuất người có uy tín được phổ biến, cung cấp thông tin mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự và kết quả thực hiện các Chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang thực hiện ở địa phương;

- Người có uy tín được cấp (không thu tiền):

+ Một ấn phẩm báo của Cơ quan ngôn luận thuộc cơ quan quản lý nhà nước hoạt động trong lĩnh vực dân tộc và công tác dân tộc (01 tờ/người/kỳ/tháng), bảo đảm điều kiện về tôn chỉ, mục đích hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, có năng lực và kinh nghiệm xuất bản, phát hành báo cho người có uy tín;

+ Một ấn phẩm báo của địa phương (01 tờ/người/kỳ) hoặc hình thức cung cấp thông tin khác do địa phương lựa chọn.

- Hằng năm, người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp thông tin theo hình thức phù hợp do địa phương quyết định về pháp luật, quốc phòng, an ninh; thông tin, kiến thức cơ bản về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; kiến thức, kỹ năng khai thác, sử dụng, xử lý thông tin trên Internet, mạng xã hội và các kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng.

Tình huống 5: Ông Trương ở thôn K, xã Yên Hoa, huyện Na Hang muốn biết, theo quy định của pháp luật thì vào dịp Tết Nguyên đán nguời uy tín có được thăm hỏi, tặng quà không? Và với định mức như thế nào?

Trả lời:

Điểm a, Khoản 2 Điều 5 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung năm 2023 quy định, như sau:

“Điều 5. Chế độ, chính sách đối với người có uy tín

2. Hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần

Theo phân cấp quản lý thực hiện chính sách, người có uy tín được:

a) Thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết hoặc Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) do địa phương lựa chọn. Mức chi tối đa trị giá 500.000 đồng/người/lần và không quá 02 (hai) lần/năm,...”

Như vậy, vào dịp Tết Nguyên đán, người có uy tín được thăm hỏi, tặng quà với mức chi tối đa trị giá 500.000 đồng/người/lầnkhông quá 02 lần/năm.

Tình huống 6: Vừa qua, nhà bà Quỳnh gặp khó khăn (bà là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số) do gió to, mưa lớn bị giật tốc hết mái nhà, kèm khi mưa xuống làm hư hỏng nhiều vật dụng trong nhà như: Tivi, tủ lạnh, bếp điện,…Thiệt hại về thiên tai này đã được UBND xã nơi bà Quỳnh nơi cư trú xác nhận. Hỏi, trong trường hợp này, gia đình bà Quỳnh có được thăm hỏi, hỗ trợ không; nếu có thì định mức như thế nào?

Trả lời:

Điểm c, Khoản 2 Điều 5 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung năm 2023 quy định, như sau:

“Điều 5. Chế độ, chính sách đối với người có uy tín

2. Hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần

Theo phân cấp quản lý thực hiện chính sách, người có uy tín được:

c) Thăm hỏi, hỗ trợ hộ gia đình người có uy tín gặp khó khăn đột xuất do sự cố, thiên tai, hỏa hoạn được chính quyền cấp xã nơi cư trú xác nhận. Mức chi tối đa trị giá 2.000.000 đồng/hộ gia đình/năm,...”

Căn cứ quy định trên, gia đình bà Quỳnh gặp khó khăn do thiên tai nên được thăm hỏi, hỗ trợ với mức chi tối đa trị giá 2.000.000 đồng/hộ gia đình/năm.

Tình huống 7: Ông Cường là người có uy tín tại thôn Nà Mí, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hoá, vừa rồi, bố ông Cường do tuổi cao, sức yếu nên đã qua đời. Hỏi, thân nhân của người có uy tín chết thì có chế độ thăm viếng không; nếu có thì với định mức như thế nào?

Trả lời:

Điểm d, Khoản 2 Điều 5 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung năm 2023 quy định, như sau:

“Điều 5. Chế độ, chính sách đối với người có uy tín

2. Hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần

Theo phân cấp quản lý thực hiện chính sách, người có uy tín được:

d) Thăm viếng, động viên khi người có uy tín, thân nhân trong gia đình (bố, mẹ, vợ, chồng, con) qua đời. Mức chi không quá 2.000.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan Trung ương; không quá 1.000.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan cấp tỉnh; không quá 500.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan cấp huyện.”

Căn cứ quy định trên, khi thân nhân của người có uy tín (bố, mẹ, vợ, chồng, con) chết thì được thăm viếng, động viên với định mức như đã nêu ở trên.

Tình huống 8: Bác Hùng là người có uy tín, bác có nhiều thành tích xuất sắc trong giữ gìn bản sắc văn hóa và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc được bình chọn là đại biểu của huyện tham gia Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng người có uy tín tiêu biểu cấp tỉnh. Bác muốn biết, Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng người có uy tín tiêu biểu cấp tỉnh được tổ chức định kỳ mấy năm một lần?

Trả lời:

Khoản 3 Điều 5 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung năm 2023 quy định về chế độ biểu dương, khen thưởng, tôn vinh người có uy tín, như sau:

Điều 5. Chế độ, chính sách đối với người có uy tín

3. Biểu dương, khen thưởng, tôn vinh người có uy tín

a) Người có uy tín có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh, trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc được biểu dương, khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn hiện hành về thi đua, khen thưởng.

b) Định kỳ 5 năm/lần tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng người có uy tín tiêu biểu đối với cấp Trung ương và cấp tỉnh;

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện lựa chọn, quyết định hình thức, thời gian tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh, khen thưởng người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn bảo đảm phù hợp với quy mô, số lượng người có uy tín và tình hình thực tiễn của địa phương.

Căn cứ quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 5 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung năm 2023 thì Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng người có uy tín tiêu biểu cấp tỉnh được tổ chức định kỳ 05 năm/lần.

Tình huống 9: Anh Dũng là Trưởng thôn N, xã Bình Phú, huyện Chiêm Hoá muốn biết, pháp luật quy định như thế nào về trình tự, thủ tục công nhận người có uy tín để phổ biến cho người dân trong cuộc tổ chức bình xét, lựa chọn người có uy tín của thôn sắp tới.

Trả lời:

Khoản 1 Điều 6 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung năm 2023 quy định về trình tự, thủ tục công nhận người có uy tín, như sau:

1. Trưởng thôn tổ chức họp thôn (có sự tham gia của ít nhất 2/3 số hộ gia đình trong thôn) để phổ biến về nội dung chính sách, tiêu chí, điều kiện, số lượng và đề cử danh sách lựa chọn người có uy tín (theo Mẫu số 01 của Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg) gửi Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn;

2. Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn tổ chức họp liên tịch (có sự tham gia của đại diện Chi ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và đại diện hộ dân trong thôn), lập văn bản đề nghị kèm theo biên bản họp liên tịch thôn (theo Mẫu số 02 của Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 12/2018/QĐ- TTg) gửi Ủy ban nhân dân cấp xã;

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của thôn, Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, kiểm tra, lập văn bản đề nghị kèm theo biên bản kiểm tra (theo Mẫu số 03 của Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg) gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện;

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ văn bản đề nghị kèm theo biên bản kiểm tra của các xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, kiểm tra và lập hồ sơ (01 bộ gồm: Văn bản đề nghị kèm theo bản tổng hợp danh sách đề nghị công nhận người có uy tín theo Mẫu số 04 của Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg) gửi xin ý kiến của Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh;

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của các huyện, Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.

6. Chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản thống nhất của Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận người có uy tín trên địa bàn huyện (danh sách theo Mẫu số 08 của Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg) và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (qua Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh) kết quả thực hiện để theo dõi, chỉ đạo.

Như vậy, trình tự, thủ tục công nhận người có uy tín được thực hiện theo từng nội dung như đã nêu ở trên.

Tình huống 10: Ông Quang là người có uy tín tại thôn P, xã Đông Lợi, huyện Sơn Dương. Tháng 6/2024, ông chuyển lên sinh sống cùng với con cái tại thành phố Tuyên Quang. Hỏi, trong trường hợp này, ông Quang có được tiếp tục là người có uy tín tại thôn Phúc Bình, xã Đông Lợi, huyện Sơn Dương không?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 6 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung năm 2023 quy định việc đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín được thực hiện trong các trường hợp sau:

“2. Các trường hợp đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín

Việc đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín được thực hiện đồng thời và ngay khi xảy ra các trường hợp: Người có uy tín chết; vi phạm pháp luật; không đảm bảo tiêu chí lựa chọn người có uy tín; mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; đã chuyển nơi khác sinh sống hoặc do sức khỏe yếu, tự nguyện xin rút khỏi danh sách người có uy tín”.

Như vậy, trong trường hợp này, ông Quang đã chuyển đến thành phố Tuyên Quang sinh sống, không còn sinh sống tại thôn Phúc Bình nữa (đây là một trong các trường hợp bị đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín), do đó, ông Quang không còn được công nhận là người có uy tín tại thôn P, xã Đông Lợi.

Tình huống 11: Anh Khôi là người có uy tín tại thôn L, xã Lực Hành, huyện Yên Sơn. Tuy nhiên, vừa qua, anh Khôi có hành vi vi phạm pháp luật, bị mất uy tín trong thôn, không đảm bảo tiêu chí lựa chọn người có uy tín và bị rơi vào trường hợp cần đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín. Anh Việt là Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn muốn biết, trình tự, thủ tục đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín được quy định như thế nào để tổ chức hiện đúng quy định của pháp luật?

Trả lời:

Khoản 3 Điều 6 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung năm 2023 quy định trình tự, thủ tục đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín, như sau:

1. Khi xảy ra trường hợp cần đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn thống nhất với Chi ủy chi bộ và tổ chức họp liên tịch (có sự tham gia của đại diện Chi ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và đại diện hộ dân trong thôn), lập văn bản đề nghị đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín (kèm theo biên bản họp liên tịch thôn theo Mẫu số 06 và Mẫu số 02 của Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg) gửi Ủy ban nhân dân cấp xã;

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của thôn, Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, lập văn bản đề nghị kèm theo biên bản kiểm tra (theo Mẫu số 07 và Mẫu số 03 của Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg) gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện;

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ văn bản đề nghị kèm theo biên bản kiểm tra của xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, tổng hợp và lập hồ sơ (01 bộ gồm: Văn bản đề nghị kèm theo bản tổng hợp danh sách đề nghị đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín theo Mẫu số 09 của Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg), gửi Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của huyện, Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh kiểm tra, rà soát và có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.

5. Chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thống nhất của Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín (danh sách theo Mẫu số 10 của Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg), báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (qua Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh) kết quả thực hiện để theo dõi, chỉ đạo.

Định kỳ hằng năm các tỉnh rà soát, tổng hợp số lượng, danh sách người có uy tín, báo cáo Ủy ban Dân tộc trước ngày 31 tháng 12 của năm để theo dõi, chỉ đạo.

Như vậy, trình tự, thủ tục đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín được thực hiện theo các nội dung đã nêu trên.

Tình huống 12: Bà Bích là người uy tín ở thôn B, xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hoá bị đau ruột thừa phải nằm viện và mổ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang (có xác nhận của bệnh viện). Hỏi, bà Bích của được thăm hỏi, hỗ trợ không; nếu có thì định mức như thế nào?

Trả lời:

Điểm b, Khoản 2 Điều 5 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung năm 2023 quy định, như sau:

“Điều 5. Chế độ, chính sách đối với người có uy tín

2. Hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần

Theo phân cấp quản lý thực hiện chính sách, người có uy tín được:

b) Người có uy tín ốm đau đi điều trị bệnh, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được thăm hỏi, hỗ trợ không quá 01 lần/người/năm. Mức chi tối đa trị giá: 3.000.000 đồng/người/năm khi điều trị bệnh tại các cơ sở tuyến Trung ương và tương đương; 1.500.000 đồng/người/năm khi điều trị tại các cơ sở tuyến tỉnh và tương đương; 800.000 đồng/người/năm khi điều trị tại cơ sở tuyến huyện và tương đương; 500.000 đồng/người/năm khi điều trị tại cơ sở tuyến xã và tương đương,...”

Căn cứ quy định trên, bà Bích là người uy tín bị ốm đau, được điều trị và có giấy xác nhận của bệnh viện tuyến tỉnh, do đó, bà Bích được hưởng chế độ thăm hỏi, hỗ trợ với mức chi tối đa là 1.500.000 đồng/người/năm.

tinh-huong-phap-luat-ve-tieu-chi-lua-chon-cong-nhan-nguoi-c-1-1724155000.pdf

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH TUYÊN QUANG

Địa chỉ: Số 501 đường 17/8, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang, Điện thoại: (027) 3.822.831 - FAX: (027) 3.922.187 - Email: banbientapstptq@gmail.com

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 41/GP-TTĐT do Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 12/5/2015

Trưởng Ban biên tập: Bà Nguyễn Thị Thược - Giám đốc Sở.

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp Tuyên Quang (tuphaptuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang