Tình huống pháp luật về chuẩn tiếp cận pháp luật

15/05/2024 - 22:38
80

Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg Quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (sau đây viết tắt là Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg).

Ngày 15/11/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BTP Hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (sau đây viết tắt là Thông tư số 09/2021/TT-BTP).

Ngày 01/3/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 211/QĐ-TTg Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 -2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 –2025 (sau đây viết tắt là Quyết định số 211/QĐ-TTg).

Tình huống 1: Trong năm đánh giá, xã R không ban hành văn bản quy phạm pháp luật nào do không có nhiệm vụ được giao ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khi tự đánh giá, chấm điểm xã R đã tự chấm 03 điểm tối đa cho chỉ tiêu 1 của tiêu chí 1 (Ban hành đầy đủ, đúng quy định pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao). Hỏi, việc tự chiếm điểm của xã R có đúng quy định không?

Trả lời:

Tại Phụ lục 1 Thông tư 09/2021/TT-BTP quy định chỉ tiêu 1 của tiêu chí 1 (Ban hành đầy đủ, đúng quy định pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao) có số điểm tối đa là 03 điểm; Trong năm đánh giá không có nhiệm vụ được giao ban hành văn bản quy phạm pháp luật được tính 03 điểm. Do đó, việc tự chiếm điểm của xã R là đúng quy định tại Thông tư 09/2021/TT-BTP.

Tình huống 2: Năm 2023, Ủy ban nhân dân xã B không ban hành kế hoạch công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), tuy nhiên trên thực tế Ủy ban nhân dân đã chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Khi tự đánh giá, chấm điểm, xã B đã cho 01 điểm đối với chỉ tiêu 3 của tiêu chí 2. Hỏi việc chấm điểm của xã B có đúng quy định không?

Trả lời:

Tại Phụ lục 1 Thông tư 09/2021/TT-BTP quy định nội dung 1 chỉ tiêu 3 của tiêu chí 2 (Ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu về nội dung theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan cấp trên) có điểm số tối đa là 02 điểm và được chia thành 03 mức điểm như sau: ( (1) Ban hành Kế hoạch trong 05 (năm) ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật được 02 điểm; (2) Ban hành Kế hoạch sau 05 (năm) ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật được 01 điểm; (3) Không ban hành Kế hoạch hoặc có ban hành Kế hoạch nhưng không đáp ứng yêu cầu về nội dung theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan cấp trên được 0 điểm).

Căn cứ quy định nêu trên, Ủy ban nhân dân xã B tự chấm 01 điểm cho nhiệm vụ ban hành kế hoạch công tác PBGDPL là chưa đúng quy định, trong trường hợp này xã B không ban hành kế hoạch công tác PBGDPL nên bị tính 0 điểm.

Tình huống 3: Trong năm đánh giá, xã X đã tiếp nhận 10 kiến nghị, phản ánh của người dân, trong đó đã giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thời hạn 09 kiến nghị; giải quyết chậm thời hạn 01 kiến nghị. Hỏi, xã X được chấm bao nhiêu điểm tại nội dung 2 Chỉ tiêu 1 Tiêu chí 5 về tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh?

Trả lời:

Tại Phụ lục 1 Thông tư 09/2021/TT-BTP quy định cách chấm điểm nội dung 2 Chỉ tiêu 1 Tiêu chí 5 về tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh được xác định theo tỷ lệ % trên cơ sở Tổng số kiến nghị, phản ánh được giải quyết đúng quy định pháp luật/Tổng số kiến nghị, phản ánh đủ điều kiện giải quyết đã được tiếp nhận. Theo đó, có 06 mức điểm tương ứng với các tỷ lệ % về kết quả giải quyết kiến nghị, phản ánh (gồm: (1) đạt 100% được 02 điểm tối đa; (2) Từ 90% đến dưới 100% được 1,5 điểm; (3) Từ 80% đến dưới 90% được 01 điểm; (4) Từ 70% đến dưới 80% được 0,5 điểm; (5) Từ 50% đến dưới 70% được 0,25 điểm; (6) dưới 50% được 0 điểm). Trường hợp, trong năm đánh giá không có kiến nghị, phản ánh được tính 02 điểm.

Theo đó, chấm điểm đối với nội dung này đối với xã X như sau: Xã X có 10 kiến nghị, phản ánh được giải quyết đúng quy định pháp luật và 01 kiến nghị chưa đảm bảo đúng quy định pháp luật. Vì vậy, tỷ lệ kết quả tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh đúng quy định pháp luật là 09/10 x 100 = 90%, điểm số đạt được là 1,5 điểm.

Tình huống 4: Trong năm đánh giá, thị trấn M có 80 thông tin phải được công khai theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, thị trấn M mới công khai đúng thời hạn, thời điểm 70 thông tin. Hỏi, thị trấn M được chấm bao nhiêu điểm tại nội dung 2, chỉ tiêu 1 của Tiêu chí 2?

Trả lời:

Phụ lục I Thông tư số 09/2021/TT-BTP quy định việc công khai thông tin đúng thời hạn, thời điểm tại nội dung 2, chỉ tiêu 1 của Tiêu chí 2 được chấm điểm theo tỷ lệ % của tổng số thông tin đã công khai đúng thời hạn, thời điểm so với tổng số thông tin phải được công khai. (Theo đó, nếu đạt 100% sẽ được 1,5 điểm; từ 90% đến dưới 100% được 01 điểm; từ 80% đến dưới 90% được 0,75 điểm; từ 70% đến dưới 80% được 0,5 điểm; từ 50% đến dưới 70% được 0,25 điểm; dưới 50% được 0 điểm).

Căn cứ quy định nêu trên, trong năm đánh gia thị trấn M đã công khai đúng thời hạn, thời điểm 70/80 thông tin phải được công khai và tỷ lệ % đạt được là 87,5%. Vậy, thị trấn M được chấm 0,75 điểm tại nội dung 2, chỉ tiêu 1 của Tiêu chí 2.

Tình huống 5: Năm 2023, Ủy ban nhân dân xã A đã tiếp nhận 50 yêu cầu cung cấp thông tin của người dân trên địa bàn, trong đó25 yêu cầu được thực hiện đúng hình thức. Trên cơ sở đó, xã A tự chấm nội dung này được 0,5 điểm. Hỏi xã A tự chấm điểm như vậy đúng hay không?

Trả lời:

Điều 24 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định việc cung cấp thông tin theo yêu cầu có thể được thực hiện bằng các hình thức: (i) Trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đến trụ sở của cơ quan nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin; (ii) Gửi Phiếu yêu cầu qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax đến cơ quan cung cấp thông tin. Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin phải được thể hiện bằng tiếng Việt gồm các nội dung chính: Họ, tên; nơi cư trú, địa chỉ; số chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc số hộ chiếu của người yêu cầu; số fax, điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có); thông tin được yêu cầu cung cấp, trong đó chỉ rõ tên văn bản, hồ sơ, tài liệu; hình thức cung cấp thông tin; lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin. Trường hợp người yêu cầu cung cấp thông tin không biết chữ hoặc bị khuyết tật không thể viết yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin có trách nhiệm giúp điền các nội dung vào Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin.

Tại Phụ lục I Thông tư số 09/2021/TT-BTP hướng dẫn cách tính điểm đối với nhiệm vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu được dựa vào kết quả tỷ lệ % của tổng số thông tin đã cung cấp đúng hình thức theo quy định pháp luật so với tổng số thông tin có yêu cầu đủ điều kiện cung cấp. Theo đó (đạt 100% được 1,5 điểm; từ 90% đến dưới 100% được 01 điểm; từ 80% đến dưới 90% được 0,75 điểm; từ 70% đến dưới 80% được 0,5 điểm; từ 50% đến dưới 70% được 0.25 điểm và dưới 50% được tính 0 điểm).

Căn cứ quy định nêu trên, xã A trong năm 2023 đã tiếp nhận, giải quyết  50 yêu cầu cung cấp thông tin của người dân trong đó 25 yêu cầu được thực hiện đúng hình thức, đạt tỷ lệ 50% và được 0,25 điểm. Do đó xã A tự chấm 0,5 điểm là chưa đúng quy định.

Tình huống 6: Trong năm đánh giá, các tổ hòa giải của xã M đã tiếp nhận 50 vụ việc hoà giải, trong đó có 45 vụ việc được thực hiện đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở, 05 vụ việc thực hiện không đúng theo quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở (do phân công người có quyền và nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến vụ việc hoà giải để tiến hành hoà giải vụ việc). Khi tiến hành chấm điểm, xã M tự chấm nội dung 1 chỉ tiêu 1 của Tiêu chí 3 được 03 điểm. Hỏi xã M tự chấm điểm như vậy đúng hay không?

Trả lời:

Tại Phụ lục I Thông tư số 09/2021/TT-BTP hướng dẫn cách tính điểm và các mức điểm số của nội dung 1 chỉ tiêu 1 của Tiêu chí 3 (Các vụ, việc hòa giải được tiếp nhận, giải quyết theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở), như sau:

- Cách tính các vụ, việc hòa giải thành theo công thức: Tỷ lệ % = (Tổng số vụ, việc đã hòa giải đúng quy định/Tổng số vụ, việc đã tiếp nhận) x 100. Theo đó (Đạt 100% được 3.5 điểm; từ 90% đến dưới 100% được 2.5 điểm; từ 80% đến dưới 90% được 1.5 điểm; từ 70% đến dưới 80% được 0,5 điểm; từ 50% đến dưới 70% được 0.25 điểm; dưới 50% được tính 0 điểm).

Căn cứ quy định trên, xã M được 2,5 điểm cho nội dung 1 chỉ tiêu 1 của Tiêu chí 3 (Các vụ, việc hòa giải được tiếp nhận, giải quyết theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở), do đó, việc tự chấm điểm của xã M là không đúng.

Tình huống 7: Trong năm 2023, các tổ hòa giải của xã A đã tiếp nhận 35 vụ việc hòa giải trong đó thực hiện hòa giải thành 32 vụ việc, 02 vụ việc hoà giải không thành. Hỏi, xã A được chấm bao nhiêu điểm tại nội dung 2 chỉ tiêu 1 của Tiêu chí 3 (các vụ, việc hòa giải thành)?

Trả lời:

Tại Phụ lục I Thông tư số 09/2021/TT-BTP hướng dẫn cách tính điểm và các mức điểm số của nội dung 2 chỉ tiêu 1 của Tiêu chí 3 (Các vụ, việc hòa giải thành), như sau:

- Cách tính các vụ, việc hòa giải thành theo công thức: Tỷ lệ % = (Tổng số vụ, việc hòa giải thành/Tổng số vụ, việc được thực hiện hòa giải) x 100. Theo đó (Đạt 100% được 3.5 điểm; từ 90% đến dưới 100% được 2.5 điểm; từ 80% đến dưới 90% được 1.5 điểm; từ 70% đến dưới 80% được 0,5 điểm; từ 50% đến dưới 70% được 0.25 điểm; dưới 50% được tính 0 điểm).

Căn cứ quy định trên, các tổ hòa giải của xã A trong năm 2023 đã tiếp nhận và hoà giải thành 32/35 vụ, việc, đạt tỷ lệ 91,4%, do đó xã A được 2.5 điểm.

Tình huống 8: Anh Minh công chức Tư pháp hộ tịch xã N muốn biết cách tính điểm đối với chỉ tiêu hỗ trợ kinh phí cho tổ hòa giải đúng mức chi theo quy định pháp luật được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Đối với nội dung 2 chỉ tiêu 2 của tiêu chí 3 về hỗ trợ kinh phí cho tổ hòa giải đúng định mức chi theo quy định pháp luật, việc đánh giá, chấm điểm được thực hiện theo công thức sau:

Tỷ lệ % = (Tổng số tổ hòa giải được hỗ trợ kinh phí đúng mức chi theo quy định/Tổng số tổ hòa giải trên địa bàn) x 100

Cách tính kết quả và điểm số của chỉ tiêu được xác định theo tỷ lệ % của tổng số tổ hòa giải được hỗ trợ kinh phí đúng mức chi theo quy định so với tổng số tổ hòa giải trên địa bàn trong năm đánh giá.

Theo đó đạt 100% được 1.5 điểm; từ 90% đến dưới 100% được 01 điểm; từ 80% đến dưới 90% được 0.75 điểm; từ 70% đến dưới 80% được 0,5 điểm; từ 50% đến dưới 70% được 0.25 điểm; dưới 50% được tính 0 điểm.

Tình huống 9: Trong năm đánh giá, các tổ hòa giải của xã M đã tiếp nhận, giải quyết 50 vụ, việc hòa giải, trong đó 38 vụ việc được hỗ trợ thù lao hòa giải viên đúng định mức theo quy định. Khi tự đánh giá, xã M đã tự chấm điểm cho nội dung 3 chỉ tiêu 2 của Tiêu chí 3 (Hỗ trợ thù lao hòa giải viên theo vụ, việc đúng mức chi theo quy định của cơ quan có thẩm quyền) là 01 điểm. Hỏi, việc tự chấm điểm của xã M có đúng không?

Trả lời:

Đối với nội dung 3 chỉ tiêu 2 của tiêu chí 3 về hỗ trợ thù lao cho hòa giải viên đúng định mức chi theo quy định pháp luật, việc đánh giá, chấm điểm được thực hiện theo công thức sau:

Tỷ lệ % = (Tổng số vụ, việc hòa giải đã giải quyết được hỗ trợ thù lao cho hòa giải viên đúng mức chi theo quy định/Tổng số vụ, việc hòa giải đã giải quyết) x 100

Theo đó đạt 100% được 1.5 điểm; từ 90% đến dưới 100% được 01 điểm; từ 80% đến dưới 90% được 0.75 điểm; từ 70% đến dưới 80% được 0,5 điểm; từ 50% đến dưới 70% được 0.25 điểm; dưới 50% được tính 0 điểm

Căn cứ quy định nêu trên, xã M đã hỗ trợ thù lao hòa giải viên theo quy định là 38/50 vụ, việc, đạt tỷ lệ 76% nên xã M được tính 0,5 điểm. Do đó, xã M tự chấm 01 điểm là không đúng.

Tình huống 10: Anh Tài công chức xã P muốn biết các tài liệu kiểm chứng phục vụ cho việc đánh giá, xác định kết quả và điểm số của các vụ việc hòa giải được tiếp nhận, giải quyết theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở được quy định như thế nào?

Trả lời:

Phụ lục I Thông tư số 09/2021/TT-BTP quy định các tài liệu kiểm chứng làm căn cứ xác định kết quả và điểm số của các vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở được hòa giải kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở như sau:

- Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.

- Văn bản hòa giải thành (nếu có).

- Báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã về kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.

- Báo cáo của Tổ trưởng Tổ hòa giải về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải.

Tình huống 11: Trong năm đánh giá, xã Q không có thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước do không có vụ, việc trợ giúp pháp lý liên quan đến người thuộc diện trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng. Khi tự đánh giá, chấm điểm xã Q đã tự chấm 04 điểm tối đa cho chỉ tiêu 3 của tiêu chí 3 (Thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý theo đúng quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý). Hỏi, việc tự chiếm điểm của xã Q có đúng quy định không?

Trả lời:

Tại Phụ lục 1 Thông tư 09/2021/TT-BTP quy định chỉ tiêu 3 của tiêu chí 3 (Thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý theo đúng quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý) có số điểm tối đa là 04 điểm; Trong năm đánh giá “không phát sinh vụ, việc trợ giúp pháp lý liên quan đến người thuộc diện trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng được tính 04 điểm”. Do đó, việc tự chiếm điểm của xã Q là đúng theo quy định tại Thông tư 09/2021/TT-BTP.

Tình huống 12: Anh Hiệp là thành viên Hội đồng thẩm định công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật muốn biết hiện nay có bao nhiêu tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?

Trả lời:

Điều 3 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định có 05 tiêu chí và 20 chỉ tiêu đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cụ thể như sau:

- Tiêu chí 1: Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn gồm 2 chỉ tiêu:

+ Chỉ tiêu 1: Ban hành đầy đủ, đúng quy định pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao;

+ Chỉ tiêu 2: Ban hành đúng quy định pháp luật các văn bản hành chính có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.

- Tiêu chí 2: Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật gồm 6 chỉ tiêu:

+ Chỉ tiêu 1: Công khai các thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

+ Chỉ tiêu 2: Cung cấp thông tin theo yêu cầu kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin;

+ Chỉ tiêu 3: Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật;

+ Chỉ tiêu 4: Triển khai các hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở;

+ Chỉ tiêu 5: Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho tuyên truyền viên pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật;

+ Chỉ tiêu 6: Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Tiêu chí 3: Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý gồm 3 chỉ tiêu:

+ Chỉ tiêu 1: Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở được hòa giải kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở;

+ Chỉ tiêu 2: Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở;

+ Chỉ tiêu 3: Thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý theo đúng quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý.

- Tiêu chí 4: Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn gồm 5 chỉ tiêu:

+ Chỉ tiêu 1: Tổ chức trao đổi, đối thoại với Nhân dân theo đúng quy định pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương;

+ Chỉ tiêu 2: Tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định trực tiếp các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

+ Chỉ tiêu 3: Tổ chức để Nhân dân bàn, biểu quyết các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

+ Chỉ tiêu 4: Tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

+ Chỉ tiêu 5: Tổ chức để Nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

- Tiêu chí 5: Tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội gồm 4 chỉ tiêu

+ Chỉ tiêu 1: Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo;

+ Chỉ tiêu 2: Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính;

+  Chỉ tiêu 3: Không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Chỉ tiêu 4: Đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo đúng quy định pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Tình huống 13: Để đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg thì xã, phường, thị trấn phải đáp ứng những điều kiện cụ thể nào?

Trả lời:

Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ 03 điều kiện sau:

1. Tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên;

2. Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên;

3. Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên.

Thứ hai, tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên. Theo đó Tiêu chí 1 đạt từ 5 điểm trở lên; Tiêu chí 2 đạt từ 15 điểm trở lên; Tiêu chí 3 đạt từ 7.5 điểm trở lên; Tiêu chí 4 đạt từ 10 điểm trở lên; Tiêu chí 5 đạt từ 12.5 điểm trở lên.

Thứ ba, trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó người đứng đầu cấp ủy, chính quyền bao gồm Bí thư Đảng ủy cấp xã, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp.

Tình huống 14: Năm 2023, xã P không được công nhận là xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ và bị xử lý kỷ luật cảnh cáo. Thời gian thi hành quyết định kỷ luật đến hết tháng 4/2024. Hỏi, trường hợp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã P có bị tính là có công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã bị xử lý kỷ luật hành chính trong thi hành công vụ khi xem xét, đánh giá công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận năm 2024 nữa không?

Trả lời:

Về nguyên tắc, một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần. Do đó, trong tình huống trên, hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã P đã bị xử lý kỷ luật hành chính trong năm 2023 và được tính để xét không đáp ứng điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào năm 2023 thì năm 2024 không tính trường hợp này để xét điều kiện công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại khoản 3 Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg đối với xã P.

Tình huống 15: Tháng 02/2024, Chủ tịch Hội Nông dân xã C bị truy cứu trách nhiệm hình sự, anh Bình cho rằng định xã C không đủ điều kiện xét công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do có công chức là người đứng đầu cấp ủy bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hỏi, ý kiến của anh Bình có đúng không?

Trả lời:

Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, như sau:

“Xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên;

2. Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên;

3. Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Đối với trường hợp của xã C, Chủ tịch Hội Nông dân xã không phải là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã. Vì vậy, xã C vẫn đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định 25/2021/QĐ-TTg. Do đó, ý kiến của anh Bình là chưa đúng, tuy nhiên, xã C sẽ bị trừ 05 điểm tại chỉ tiêu 3 Tiêu chí 5 về “Không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Tình huống 16: Anh Trường là chuyên viên Phòng Tư pháp huyện C được giao nhiệm vụ theo dõi về công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong năm đánh giá, anh Trường tiếp nhận, rà soát, kiểm tra hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện gửi lên. Trong quá trình rà soát, kiểm tra hồ sơ anh Trường phát hiện một số kết quả, nội dung trong hồ sơ, tài liệu của xã M chưa rõ ràng. Anh muốn biết, Phòng Tư pháp có được yêu cầu xã M giải trình, bổ sung làm rõ hay không?

Trả lời:

Tại điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư số 09/2021/QĐ-TTg quy định “Phòng Tư pháp tiếp nhận, rà soát, kiểm tra hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn; yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu liên quan (nếu có). Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu chậm nhất trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu;”.

Như vậy, trong quá trình tiếp nhận, rà soát, kiểm tra hồ sơ, nếu phát hiện hồ sơ còn chưa đầy đủ theo quy định thì Phòng Tư pháp có thể yêu cầu, đề nghị cấp xã bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Trường hợp qua kiểm tra mà phát hiện hồ sơ, tài liệu chưa rõ ràng hoặc có cơ sở, thông tin cho rằng kết quả tự đánh giá của cấp xã còn có nội dung chưa bảo đảm thì Phòng Tư pháp có thể tự mình yêu cầu hoặc đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân huyện cấp huyện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc giải trình, bổ sung hồ sơ theo quy định.

Tình huống 17: Anh Tùng, công chức Tư pháp xã T muốn biết việc niêm yết kết quả đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Việc niêm yết công khai kết quả đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 09/2021/QĐ-TTg như sau:

- Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm niêm yết kết quả đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Hình thức, địa điểm công khai, niêm yết: trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân cấp xã và đăng tải trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử thông báo trên đài truyền thanh cấp xã ít nhất 03 lần trong thời hạn ít nhất 05 ngày

- Nội dung niêm yết công khai: Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu

- Thời điểm thực hiện việc niêm yết công khai: Ngay sau khi công chức Tư pháp – Hộ tịch xây dựng xong dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu và việc niêm yết, công khai phải hoàn thành trước khi tổ chức cuộc họp xem xét, đánh giá, thống nhất kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Tình huống 18: Trong năm 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Y bị tố cáo có hành vi nhận hối lộ và đang trong quá trình điều tra, xác minh nhưng đến thời điểm xét công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vẫn chưa có kết luận chính thức. Hỏi, trường hợp này có ảnh hưởng đến điều kiện xét công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận của xã Y trong năm 2023 hay không?

Trả lời:

Khoản 3 Điều 4 Quyết định 25/2021/QĐ-TTg quy định một trong những điều kiện công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là: “Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Xã Y có công chức là người đứng đầu chính quyền cấp xã bị tố cáo (Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã) có hành vi nhận hối lộ, đây là hành vi vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ. Tuy nhiên, vụ việc còn đang trong quá trình điều tra, xác minh, chưa có kết luận giải quyết của cơ quan/người có thẩm quyền theo quy định. Vì vậy, trường hợp này chưa tính vào kết quả và điều kiện đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã Y trong năm 2023 theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định 25/2021/QĐ-TTg.

Tình huống 19: Theo kết quả tự chấm điểm của xã V, tổng số điểm của mỗi tiêu chí tiếp cận pháp luật đều đạt trên 50% số điểm tối đa. Tuy nhiên, có một số chỉ tiêu thuộc Tiêu chí 2 lại đạt điểm số dưới 50% số điểm tối đa của chỉ tiêu đó (Như: Chỉ tiêu 1 của Tiêu chí 2 chỉ đạt 2 điểm, 33,3% so với số điểm tối đa của chỉ tiêu là 6 điểm). Hỏi, trong trường hợp này xã V có bảo đảm điều kiện “Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên” hay không?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 4 Quyết định 25/2021/QĐ-TTg quy định điều kiện về số điểm của từng tiêu chí là “Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên”, nghĩa là không yêu cầu điểm số của từng chỉ tiêu trong tiêu chí đó phải đạt từ 50% điểm số đa trở lên. Theo đó, nếu các tiêu chí có chỉ tiêu đạt điểm số dưới 50% số điểm nhưng tổng số điểm của tiêu chí không dưới 50% số điểm tối đa thì vẫn đáp ứng điều kiện này.

Đối với trường hợp của xã V, một số chỉ tiêu của Tiêu chí 2 có điểm số đạt dưới 50% số điểm tối đa của chỉ tiêu đó nhưng tổng điểm của các tiêu chí (trong đó có Tiêu chí 2) đều đạt trên 50% số điểm tối đa thì vẫn đáp ứng điều kiện “Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên”.

Tình huống 20: Năm 2024, xã M đăng ký về đích nông thôn mới, tuy nhiên, tháng 4 năm 2024, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Anh Nam là công chức Tư pháp – hộ tịch xã muốn hỏi, mặc dù trong năm đánh giá xã M có người đứng đầu chính quyền bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng xã vẫn cố gắng phấn đấu đạt đủ 05 tiêu chí được quy định tại Điều 3 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg thì có đáp ứng chỉ tiêu 18.4 - Tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới không?

Trả lời:

Khoản 4 Phụ lục I Quyết định số 211/QĐ-TTg quy định chỉ tiêu 18.4 - Tiếp cận pháp luật, có 03 nội dung tiêu chí gồm: (1) Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; (2) Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật; (3) Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý. Theo đó, Quyết định số 211/QĐ-TTg quy định để đáp ứng chỉ tiêu 18.4 thì 03 nội dung trên phải ở mức “Đạt”.

tinh-huong-phap-luat-ve-chuan-tiep-can-phap-luat-1-1724154603.pdf

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH TUYÊN QUANG

Địa chỉ: Số 501 đường 17/8, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang, Điện thoại: (027) 3.822.831 - FAX: (027) 3.922.187 - Email: banbientapstptq@gmail.com

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 41/GP-TTĐT do Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 12/5/2015

Trưởng Ban biên tập: Bà Nguyễn Thị Thược - Giám đốc Sở.

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp Tuyên Quang (tuphaptuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang