Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013. 10 năm qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế như: Việc lãnh, chỉ đạo thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; áp dụng pháp luật có trường hợp còn chưa đảm bảo đầy đủ, chính xác, chặt chẽ về căn cứ pháp lý, trình tự, thủ tục; tổ chức thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhất là thi hành biện pháp khắc phục hậu quả chưa được triệt để...
Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh xử lý phương tiện vi phạm an toàn giao thông.
Cụ thể như khi không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì đơn vị phải bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu trong vòng 1 năm. Tang vật, phương tiện bị tạm giữ lâu ngày không được xử lý có thể dẫn đến bị hư hỏng, suy giảm về chất lượng, đặc tính hoặc tang vật ở những khu vực xa có thể bị mất. Hay đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp là người lao động có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc ở địa phương khác, khi bị xử phạt vi phạm bằng hình thức phạt tiền với số tiền bị xử phạt lớn thường không chấp hành nộp tiền phạt, không có tài sản để cưỡng chế thi hành.
Để tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành “Đề án nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2022 - 2025”. Các cơ quan, đơn vị liên quan đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tập trung tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân; thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ở địa phương; giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo về xử lý vi phạm hành chính.
Đồng chí Đặng Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, hàng năm, Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về xử lý vi phạm hành chính cho đội ngũ tham mưu quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính và những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, hạn chế những sai sót trong quá trình thực thi công vụ về xử lý vi phạm hành chính...
Năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 25.522 vụ vi phạm, xử phạt 25.424 vụ đối với 25.547 đối tượng; chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự 74 vụ; áp dụng biện pháp thay thế nhắc nhở đối với người chưa thành niên 24 vụ; tổng số tiền phạt thu được trên 52 tỷ đồng. Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tuyên truyền phổ biến các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan bằng các hình thức, biện pháp thích hợp để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Đặc biệt, thực hiện chuyển đổi số trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý người vi phạm cũng như công tác quản lý Nhà nước trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Hoạt động xử lý vi phạm hành chính đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật hành chính, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội địa phương, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
Nguồn: baotuyenquang.com.vn