Thứ nhất, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thi hành Luật Hộ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-UBND ngày 31/3/2015 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hộ tịch, 08 văn bản chỉ đạo thi hành Luật Hộ tịch; Sở Tư pháp đã ban hành 32 văn bản, UBND cấp huyện ban hành 31 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thi hành Luật Hộ tịch.
Thứ hai, công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Hộ tịch được thực hiện kịp thời, đồng bộ
HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20/2022/NQ-HĐND ngày 03/7/2022 quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 04/2022/QĐ-UBND ngày 05/3/2022 quy định số lượng và bố trí cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Thứ ba, thường xuyên tổ chức quán triệt thực hiện, tuyên truyền, phổ biến Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành
Toàn tỉnh tổ chức 7.746 buổi tuyên truyền pháp luật hộ tịch cho 531.498 lượt người, xây dựng chuyên trang “Hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp” trên trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp, đã đăng tải 92 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác hộ tịch; xây dựng và phát sóng 03 chuyên mục có nội dung liên quan đến lĩnh vực pháp luật hộ tịch; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở 4.906 tin, bài, chương trình; tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về hộ tịch thu hút 182 thí sinh tham gia; biên soạn, cung cấp 20.318 bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật hộ tịch.
Thứ tư, quan tâm bố trí đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại các cơ quan đăng ký hộ tịch; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch
Toàn tỉnh đã bố trí 270 công chức thực hiện công tác hộ tịch (cấp tỉnh 01, cấp huyện 23, cấp xã 246); 244/246 công chức được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch (02 công chức mới được điều động trong năm 2022 chưa được tập huấn, cấp chứng chỉ nghiệp vụ); tổ chức 26 hội nghị/lớp tập huấn nghiệp vụ hộ tịch cho 3.045 lượt công chức Tư pháp - Hộ tịch.
Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch; triển khai Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử
100% phòng Tư pháp huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có kết nối mạng Internet phục vụ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; có158/246 công chức Tư pháp - hộ tịch được trang bị máy vi tính,167/246 công chức Tư pháp - hộ tịch được trang bị máy in; 64/138 xã được trang bị máy scan.
Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành 03 văn bản chỉ đạo triển khai Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”; Sở Tư pháp ban hành 06 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Đề án. Đã triển khai ứng dụng phần mềm "Đăng ký và quản lý hộ tịch" trên địa bàn tại 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); cùng với đó, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu chuyên ngành Bảo hiểm để thực hiện liên thông thủ tục hành chính “Đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” (kết quả từ 01/01/2016 đến nay, 100% thủ tục đăng ký khai sinh được liên thông với cơ sở dữ liệu của ngành bảo hiểm)
Việc số hoá sổ hộ tịch đã được triển khai thực hiện, kết quả đã số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc 46.641 thông tin của 08 xã có thay đổi địa giới hành chính thuộc thành phố Tuyên Quang, huyện Yên Sơn và Sơn Dương; năm 2022 thực hiện số hoá theo từng giai đoạn các Sổ hộ tịch của 29 xã thuộc huyện Sơn Dương với gần 50.000 thông tin.
Đã triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến mức độ 4 đối với 03 dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực hộ tịch theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử), tính đến hết tháng 6/2022 có 118/138 Uỷ ban nhân dân cấp xã (đạt 85,5%) tiếp nhận và giải quyết 12.084 hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử, trong đó có 2.678/12.084 hồ sơ được nộp trực tuyến, đạt 22,16%. Còn 20 xã chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến (Các xã: Lang Quán, Tiến Bộ, Phú Thịnh, Chân Sơn, Đạo Viện, Kim Quan, Công Đa, Trung Minh, Nhữ Hán); huyện Chiêm Hóa 02/24 xã (gồm Bình Phú và Kiên Đài); huyện Na Hang 09/12 xã (gồm: Thượng Giáp, Sinh Long, Đà Vị, Yên Hoa, Hồng Thái, Thanh Tương, Năng Khả, Khâu Tinh, Sơn Phú).
Thứ sáu, việc đăng ký, quản lý hộ tịch được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật
Từ ngày 01/01/2016 đến ngày 30/6/2022, toàn tỉnh thực hiện 121.313 việc hộ tịch (đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài 152 việc; đăng ký hộ tịch trong nước 104.364 việc). Sở Tư pháp đã ban hành 28 văn bản, Uỷ ban nhân dân cấp huyện ban hành 27 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch; đã tổ chức 46 cuộc thanh tra, kiểm tra về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch tại 197 đơn vị (Sở Tư pháp 11 cuộc tại 46 đơn vị; Ủy ban nhân dân cấp huyện 35 cuộc tại 151 đơn vị).
Thứ bẩy, công tác phối hợp liên ngành trong triển khai thi hành Luật Hộ tịch được tăng cường
Sở Tư pháp đã phối hợp với cơ quan Công an hướng dẫn xử lý 15 vướng mắc trong thi hành pháp luật về hộ tịch tại địa phương có liên quan đến cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, đặc biệt đã kiến nghị, đề nghị Bộ Tư pháp trả lời, hướng dẫn, đồng thời chỉ đạo cơ quan đăng ký hộ tịch cấp huyện giải quyết vướng mắc về cải chính thành phần dân tộc đối với 110/111 nhân khẩu thuộc xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình; rà soát phát hiện 02 trường hợp có 02 quốc tịch đã trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thu hồi, huỷ bỏ giấy khai sinh đối với 02 trường hợp; Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thường xuyên phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo xác minh thông tin làm cơ sở để điều chỉnh thông tin cá nhân trong các giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ của cá nhân; phối hợp với cơ quan Công an, Bảo hiểm xã hội cấp huyện trong việc đăng ký hộ khẩu, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em; rà soát, cập nhật thông tin về kết quả giải quyết việc đăng ký khai sinh, xác định quốc tịch đối với những trường hợp trẻ em là con lai.
Bên cạnh các kết quả nổi bật trong triển khai thi hành Luật Hộ tịch nêu trên, công tác hộ tịch còn có một số tồn tại, hạn chế và bất cập như: Kỹ năng, nghiệp vụ một số công chức Tư pháp - Hộ tịch chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; việc triển khai dịch vụ đăng ký hộ tịch trực tuyến còn nhiều khó khăn, hạn chế; việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với một số thủ tục lĩnh vực hộ tịch về thực chất chưa đảm bảo; việc số hóa sổ hộ tịch điện tử còn chậm so với yêu cầu của kế hoạch đã đề ra.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, bất cập
Nhiều công chức tư pháp hộ tịch thường xuyên có sự thay đổi; 15 công chức chưa đúng chuyên môn ngành Luật; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (còn 88 công chức chưa được trang bị máy vi tính; 79 công chức chưa được trang bị máy in; 74 xã chưa có máy scan.
Cổng dịch vụ công trực tuyến - Hệ thống một cửa điện tử tỉnhTuyên Quang chưa kết nối, liên thông được với Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung và Hệ thống thông tin Đăng ký và Quản lý Hộ tịch do Bộ Tư pháp triển khai thực hiện trên toàn quốc.
Thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế đã liên thông cấp thẻ bảo hiểm y tế, nhưng chưa liên thông đăng ký thường trú; Thủ tục đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, hưởng trợ cấp mai táng phí, do hệ thống đăng ký và quản lý cư trú của ngành Công an chưa kết nối với cơ sở dữ liệu hộ tịch của ngành tư pháp dẫn đến chưa liên thông được dữ liệu; ngành Lao động, Thương binh và Xã hội chưa có hệ thống phần mềm và quy trình điện tử để xử lý việc hưởng trợ cấp mai táng phí; thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử thuộc nhóm dịch vụ công thiết yếu, tuy nhiên theo quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành thì công dân thực hiện các thủ tục hành chính này vẫn phải trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính để ký vào sổ tịch ký và giấy đăng ký kết hôn…
Kinh phí cấp cho hoạt động số hóa sổ hộ tịch ít, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trong thời gian tới, đề xuất các giải pháp sau:
Đề nghị sửa đổi Luật Hộ tịch và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho phù hợp với tình hình thực tế; đề nghị Bộ Công an khẩn trương thực hiện liên thông Hệ thống đăng ký và quản lý cư trú với cơ sở dữ liệu hộ tịch của ngành tư pháp; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu và quy trình điện tử để xử lý việc hưởng trợ cấp mai táng phí của các đối tượng bảo trợ xã hội; đề nghị UBND tỉnh bố trí cấp kinh phí thực hiện nhanh số hoá sổ hộ tịch. Sở Thông tin và truyền thông thực hiện kết nối, liên thông Cổng dịch vụ công trực tuyến - Hệ thống một cửa điện tử tỉnh với Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung và Hệ thống thông tin Đăng ký và Quản lý Hộ tịch do Bộ Tư pháp triển khai thực hiện trên toàn quốc; UBND cấp huyện bố trí đủ trang thiết bị cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; triển khai nghiêm túc Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ./.