Theo đó, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương chỉ đạo, định hướng, triển khai truyền thông về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 bám sát các nội dung như sau:
1. Nội dung truyền thông
- Mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết sửa đổi Hiến pháp năm 2013.
- Những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tập trung vào nội dung mới, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
- Nội dung khác phù hợp với yêu cầu của cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
2. Thời gian thực hiện truyền thông
- Việc truyền thông được thực hiện từ ngày Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 công bố dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đến khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua.
- Các cơ quan, tổ chức, địa phương căn cứ điều kiện thực tế có thể tổ chức đợt cao điểm truyền thông, tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia ý kiến, hiểu rõ, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và các nội dung được sửa đổi của Hiến pháp năm 2013.
3. Hình thức truyền thông
Các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương chủ động lựa chọn hình thức truyền thông phù hợp, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kết hợp linh hoạt giữa truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp nhằm tạo hiệu ứng sâu rộng, lan tỏa trong cộng đồng, bám sát yêu cầu, tiến độ và quá trình lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013./.
Tin: Trương Lan.