Hỏi - đáp Quy định về miễn nhiệm công chứng viên

13/07/2025 - 15:17
18

Luật Công chứng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025 (sau đây viết là Luật Công chứng).

Ngày 15/5/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2025/NĐ-CP ban hành quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025 (sau đây viết là Nghị định số 104/2025/NĐ-CP).

Ngày 11/6/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2025/NĐ-CP quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025 (sau đây viết là Nghị định số 121/2025/NĐ-CP).

Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang giới thiệu quy định về miễn nhiệm công chứng viên thông qua các nội dung hỏi – đáp dưới đây:

1. HỎI: Miễn nhiệm công chứng viên được quy định như thế nào?

ĐÁP:

Điều 16 Luật Công chứng quy định về miễn nhiệm công chứng viên như sau:

1. Công chứng viên được miễn nhiệm theo nguyện vọng cá nhân hoặc khi được chuyển làm công việc khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Công chứng viên đương nhiên miễn nhiệm khi quá 70 tuổi.

2. Công chứng viên bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Không còn đủ các tiêu chuẩn theo quy định, trừ trường hợp đương nhiên miễn nhiệm nêu trên;

b) Thuộc trường hợp người bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.;

c) Được tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động giữ một trong các vị trí công tác quy định (Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, trừ viên chức của Phòng công chứng; đang là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; đang là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân), trừ trường hợp đã được miễn nhiệm theo quy định;

d) Thuộc trường hợp đồng thời hành nghề tại 02 tổ chức hành nghề công chứng trở lên; đồng thời là thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên, quản tài viên, tư vấn viên pháp luật, thẩm định viên về giá; làm việc theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan, tổ chức khác hoặc tham gia công việc mà thường xuyên phải làm việc trong giờ hành chính;

đ) Không hành nghề công chứng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên hoặc không hành nghề công chứng liên tục từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp không hành nghề do bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng theo quy định, Văn phòng công chứng bị tạm ngừng hoạt động trong trường hợp không thể hoạt động vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự.

e) Hết thời hạn tạm đình chỉ hành nghề công chứng mà lý do tạm đình chỉ vẫn còn;

g) Bị xử phạt vi phạm hành chính từ 02 lần trở lên về hoạt động hành nghề công chứng trong thời hạn 12 tháng; hành nghề công chứng khi chưa đủ điều kiện hành nghề công chứng hoặc trong thời gian bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng;

h) Bị xử lý kỷ luật từ 02 lần trở lên trong thời hạn 12 tháng hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc;

i) Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;

k) Thuộc trường hợp không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên tại thời điểm được bổ nhiệm. 

2. HỎI: Hồ sơ, trình tự, thủ tục miễn nhiệm công chứng viên được quy định như thế nào?

ĐÁP: 

- Điều 6 Nghị định số 104/2025/NĐ-CP quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục miễn nhiệm công chứng viên như sau:

1. Hồ sơ đề nghị được miễn nhiệm công chứng viên gồm đơn đề nghị miễn nhiệm công chứng viên theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

2. Công chứng viên thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Công chứng (Công chứng viên được miễn nhiệm theo nguyện vọng cá nhân hoặc khi được chuyển làm công việc khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; công chứng viên đương nhiên miễn nhiệm khi quá 70 tuổi) lập 01 bộ hồ sơ theo quy định, nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến trên môi trường điện tử về Sở Tư pháp nơi đang hành nghề hoặc nơi hành nghề cuối cùng trước khi đề nghị được miễn nhiệm; trường hợp công chứng viên được bổ nhiệm nhưng chưa hành nghề thì nộp hồ sơ về Sở Tư pháp nơi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị miễn nhiệm công chứng viên, trong đó nêu rõ quá trình hành nghề của công chứng viên và đề xuất của Sở Tư pháp, kèm theo hồ sơ gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có căn cứ cho rằng công chứng viên thuộc trường hợp bị miễn nhiệm quy định, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn nhiệm công chứng viên, kèm theo các tài liệu liên quan làm căn cứ cho việc đề nghị miễn nhiệm.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định việc miễn nhiệm công chứng viên; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Trường hợp thông tin trong hồ sơ đề nghị miễn nhiệm chưa đầy đủ, chưa thống nhất hoặc cần xác minh, Bộ Tư pháp yêu cầu Sở Tư pháp bổ sung, làm rõ hoặc Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xác minh thông tin trong hồ sơ. Thời hạn quy định tại khoản này được tính từ ngày Bộ Tư pháp nhận được kết quả bổ sung, làm rõ hoặc xác minh thông tin.

5. Bộ trưởng Bộ Tư pháp tự mình xem xét, quyết định việc miễn nhiệm đối với công chứng viên thuộc trường hợp bị miễn nhiệm theo quy định mà Sở Tư pháp không đề nghị miễn nhiệm.

6. Tổ chức hành nghề công chứng phát hiện công chứng viên của tổ chức mình thuộc trường hợp bị miễn nhiệm hoặc đương nhiên miễn nhiệm thì phải báo cáo kịp thời bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động để xem xét, xử lý theo quy định.

Sở Tư pháp có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, kiểm tra, rà soát đội ngũ công chứng viên tại địa phương để kịp thời phát hiện những công chứng viên thuộc trường hợp bị miễn nhiệm theo quy định; thường xuyên thống kê, cập nhật danh sách công chứng viên đương nhiên miễn nhiệm vào phần mềm quản lý hoạt động công chứng của Bộ Tư pháp, đồng thời đăng tải danh sách này trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp.

7. Công chứng viên không được ký văn bản công chứng kể từ thời điểm quyết định miễn nhiệm công chứng viên có hiệu lực thi hành. 

- Trong thời gian có hiệu lực của Nghị định số 121/2025/NĐ-CP từ ngày 01/7/2025 đến ngày 28/02/2027 (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định số 121/2025/NĐ-CP[1]), việc miễn nhiệm công chứng viên được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 121/2025/NĐ-CP thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đồng thời, trình tự, thủ tục miễn nhiệm công chứng viên được thực hiện theo mục II Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 121/2025/NĐ-CP, như sau:

1. Hồ sơ đề nghị được miễn nhiệm công chứng viên gồm Văn bản đề nghị miễn nhiệm công chứng viên.

2. Người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Công chứng (Công chứng viên được miễn nhiệm theo nguyện vọng cá nhân hoặc khi được chuyển làm công việc khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; công chứng viên đương nhiên miễn nhiệm khi quá 70 tuổi) có Văn bản đề nghị miễn nhiệm công chứng viên theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Sở Tư pháp nơi đang hành nghề hoặc nơi hành nghề cuối cùng trước khi đề nghị được miễn nhiệm hoặc trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; trường hợp công chứng viên được bổ nhiệm nhưng chưa hành nghề thì nộp hồ sơ về Sở Tư pháp nơi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị miễn nhiệm công chứng viên, trong đó nêu rõ quá trình hành nghề của công chứng viên và đề xuất của Sở Tư pháp, kèm theo hồ sơ gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có căn cứ cho rằng công chứng viên thuộc trường hợp bị miễn nhiệm quy định, Sở Tư pháp nơi đề nghị bổ nhiệm hoặc nơi công chứng viên đang hành nghề hoặc nơi công chứng viên hành nghề cuối cùng có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh miễn nhiệm công chứng viên, kèm theo các tài liệu liên quan làm căn cứ cho việc đề nghị miễn nhiệm.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc miễn nhiệm công chứng viên; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Trường hợp thông tin trong hồ sơ đề nghị miễn nhiệm chưa đầy đủ, chưa thống nhất hoặc cần xác minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp bổ sung, làm rõ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xác minh thông tin trong hồ sơ. Thời hạn quy định tại khoản này được tính từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhận được kết quả bổ sung, làm rõ hoặc xác minh thông tin. Việc xác minh tính hợp pháp của hồ sơ thực hiện không quá 20 ngày làm việc.

5. Tổ chức hành nghề công chứng phát hiện công chứng viên của tổ chức mình thuộc trường hợp bị miễn nhiệm hoặc đương nhiên miễn nhiệm thì phải báo cáo kịp thời bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động để xem xét, xử lý theo quy định.

Sở Tư pháp có trách nhiệm thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan để theo dõi, kiểm tra, rà soát đội ngũ công chứng viên tại địa phương và các công chứng viên mà Sở Tư pháp mình đề nghị bổ nhiệm để kịp thời phát hiện những công chứng viên thuộc trường hợp bị miễn nhiệm quy định; thường xuyên thống kê, cập nhật danh sách công chứng viên đương nhiên miễn nhiệm vào phần mềm quản lý hoạt động công chứng của Bộ Tư pháp, đồng thời đăng tải danh sách này trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp.

6. Công chứng viên không được ký văn bản công chứng kể từ thời điểm quyết định miễn nhiệm công chứng viên có hiệu lực thi hành./.

[1] Khoản 2 Điều 41 Nghị định số 121/2025/NĐ-CP quy định:

“Điều 41. Hiệu lực thi hành

2. Nghị định này hết hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2027 trừ các trường hợp sau:

a) Bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo Chính phủ đề xuất và được Quốc hội quyết định kéo dài thời gian áp dụng toàn bộ hoặc một phần Nghị định này;

b) Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này được thông qua hoặc ban hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025 và có hiệu lực trước ngày 01 tháng 3 năm 2027 thì các quy định tương ứng trong Nghị định này hết hiệu lực tại thời điểm các văn bản quy phạm pháp luật đó có hiệu lực”.

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH TUYÊN QUANG

Địa chỉ: Số 501 đường 17/8, phường Minh Xuân, tỉnh Tuyên Quang, Điện thoại: (027) 3.822.831 - FAX: (027) 3.922.187 - Email: banbientapstptq@gmail.com

Trưởng Ban biên tập: Ông Nguyễn Khánh Lâm - Giám đốc Sở.

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp Tuyên Quang (tuphaptuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang