1. HỎI: Nguyên tắc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn lồng ghép thực hiện Chương trình được quy định như thế nào?
ĐÁP:
Điều 3 Quyết định số 04/2023/QĐ-UBND quy định nguyên tắc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn lồng ghép thực hiện Chương trình, như sau:
2. Nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình từ ngân sách đều phải quản lý và thanh toán tập trung, thống nhất qua Kho bạc Nhà nước.
3. Đối với các nguồn đóng góp bằng hiện vật hoặc ngày công lao động: Căn cứ đơn giá hiện vật và giá trị ngày công lao động để hạch toán vào giá trị công trình, dự án và theo dõi, quản lý; không hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước.
4. Trường hợp tổng kinh phí thực hiện chương trình, dự án chênh lệch thấp so với tổng kế hoạch vốn thực hiện dự án nhưng không phân chia cụ thể phần kinh phí còn dư tương ứng với các nguồn vốn, thực hiện xác định tổng kinh phí thực hiện dự án theo thứ tự ưu tiên sử dụng từ nguồn vốn huy động thực hiện dự án trước, sau đó sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; đối với nguồn ngân sách nhà nước, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn viện trợ và ngân sách địa phương.
2. HỎI: Các nguồn vốn lồng ghép được quy định như thế nào?
Điều 4 Quyết định số 04/2023/QĐ-UBND quy định các nguồn vốn lồng ghép được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 (sau đây viết là Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND).
Điều 4 Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND quy định các nguồn vốn thực hiện lồng ghép, như sau:
1. Nguồn vốn ngân sách:
a) Vốn ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp).
b) Vốn ngân sách địa phương: Ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện và ngân sách xã (bao gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp).
c) Các nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước.
d) Vốn viện trợ phi Chính phủ (NGO).
đ) Các nguồn hợp pháp khác.
2. Nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng:
a) Vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
b) Đóng góp bằng tiền, hiện vật, hiến đất hoặc ngày công lao động của các doanh nghiệp, tổ chức, người dân, cộng đồng dân cư.
c) Các nguồn vốn hợp pháp khác.
3. HỎI: Quy trình, thủ tục thanh toán vốn lồng ghép thực hiện dự án xây dựng kết cấu hạ tầng được quy định như thế nào?
Điều 5 Quyết định số 04/2023/QĐ-UBND quy định quy trình, thủ tục thanh toán vốn lồng ghép thực hiện dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, như sau:
1. Các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách và nguồn huy động, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bằng tiền mặt và được xác định trong tổng kế hoạch vốn đầu tư thực hiện dự án: Thực hiện theo quy trình, thủ tục thanh toán vốn đầu tư công quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công (sau đây viết tắt là Nghị định số 99/2021/NĐ-CP).
2. Thực hiện tạm ứng vốn, thanh toán khối lượng hoàn thành đối với từng hạng mục công việc phải tương ứng với từng nguồn vốn thực hiện của dự án.
4. HỎI: Quy trình, thủ tục thanh toán vốn lồng ghép thực hiện các nội dung sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp được quy định như thế nào?
Điều 6 Quyết định số 04/2023/QĐ-UBND quy định quy trình, thủ tục thanh toán vốn lồng ghép thực hiện các nội dung sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp, như sau:
1. Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất
a) Trình tự thanh toán:
Căn cứ khối lượng công việc thực hiện hoàn thành theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và kết quả nghiệm thu theo từng giai đoạn, đơn vị được giao dự toán kinh phí thực hiện dự án thanh toán kinh phí với bên thực hiện dự án.
Đơn vị được giao dự toán kinh phí thực hiện dự án lập hồ sơ gửi cơ quan kiểm soát, thanh toán theo quy định.
b) Hồ sơ thanh toán: Thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.
c) Thực hiện thanh toán theo đúng nguồn vốn tương ứng với nội dung, khối lượng thực hiện của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
d) Đối với nguồn vốn tín dụng: Thực hiện thanh toán theo quy định của từng chính sách tín dụng và các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng.
2. Hoạt động đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đào tạo nghề, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện; thông tin, tuyên truyền về các Chương trình mục tiêu quốc gia; hoạt động kiểm tra, đánh giá, hội nghị triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp
a) Trình tự, hồ sơ thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Đối với trường hợp đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo, tập huấn: Thanh toán kinh phí thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (sau đây viết tắt là Nghị định số 32/2019/NĐ-CP).
5. HỎI: Quy trình, thủ tục quyết toán được quy định như thế nào?
Điều 7 Quyết định số 04/2023/QĐ-UBND quy định quy trình, thủ tục quyết toán, như sau:
1. Đối với dự án đầu tư: Thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định số 99/2021/NĐ-CP; Quyết định số 18/2022/QĐ-UBND ngày 02/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang quy định thời hạn gửi báo cáo quyết toán theo niên độ vốn đầu tư công thuộc ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện quản lý; trình tự, thời hạn lập, gửi, xét duyệt, thẩm định và ra thông báo thẩm định quyết định quyết toán theo niên độ vốn đầu tư công thuộc ngân sách cấp xã quản lý trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
2. Đối với dự án lồng ghép kinh phí sự nghiệp
a) Căn cứ dự án, mức hỗ trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan, đơn vị được giao dự toán kinh phí thực hiện dự án quyết toán chi ngân sách nhà nước theo số chi đã thực thanh toán và số chi đã hạch toán chi ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Ngân sách nhà nước theo từng dự án; đồng thời, lập báo cáo thuyết minh quyết toán theo từng nguồn vốn thực hiện dự án.
b) Đối với trường hợp đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo, tập huấn: Thanh toán kinh phí thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.
3. Thực hiện tổng hợp báo cáo quyết toán vốn ngân sách nhà nước theo từng nguồn kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước./.