Hỏi – đáp Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước và Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng

07/07/2025 - 19:11
18

Ngày 20/11/2018, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14, thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2007, 2012 và 2017). Luật quy định về công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước (sau đây gọi tắt là Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018); có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019.

Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang giới thiệu quy định về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng của Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 thông qua các nội dung hỏi - đáp dưới đây: 

1. Hỏi: Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh trong phòng, chống tham nhũng được quy định như thế nào? 

Đáp:

Điều 78 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh trong phòng, chống tham nhũng, như sau:

(1) Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh là chuẩn mực ứng xử phù hợp với đặc thù chuyên môn, nghề nghiệp của người hành nghề, người hoạt động kinh doanh nhằm bảo đảm liêm chính trong hành nghề, kinh doanh. (2) Khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, căn cứ vào quy định của Luật này và luật khác có liên quan, ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình.

2. Hỏi: Việc xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng được quy định như thế nào? 

Đáp:

Điều 79 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng, như sau:

(1) Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.

(2) Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích thành viên, hội viên xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng; giám sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của thành viên, hội viên, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.

3. Hỏi: Việc Áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước được quy định như thế nào? 

Đáp:

Điều 80 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước như sau:

Các quy định sau đây được áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện:

- Nguyên tắc công khai, minh bạch, nội dung công khai, minh bạch, hình thức công khai, trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch quy định tại Điều 9, các điểm a, c và d khoản 1 Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Luật này;

- Kiểm soát xung đột lợi ích quy định tại Điều 23 của Luật này;

- Trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu quy định tại Điều 72, các điểm a, b và d khoản 3 Điều 73 của Luật này.

4. Hỏi: Việc phát hiện tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước được quy định như thế nào?

Đáp:

Điều 82 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về phát hiện tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước như sau:

(1) Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức mình. 

(2) Cơ quan thanh tra khi tiến hành hoạt động thanh tra nếu phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. 

(3) Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm phản ánh, tố cáo, báo cáo theo quy định tại Mục 3 Chương III của Luật này.

5. Hỏi: Đơn vị nào chuyên trách về chống tham nhũng?

Đáp:

Điều 83 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng như sau:

(1) Trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng. 

(2) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng trong Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an.

6. Hỏi: Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm như thế nào trong phòng, chống tham nhũng? 

Đáp:

Điều 84 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ như sau:

(1) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

(2) hanh tra Chính phủ là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng và có trách nhiệm sau đây:

- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

- Quản lý việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo thẩm quyền;

- Thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng theo thẩm quyền; tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

- Quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập;

- Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng;

- Xây dựng báo cáo hằng năm về công tác phòng, chống tham nhũng.

(3) Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức hoạt động điều tra tội phạm tham nhũng.

(4) Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra Chính phủ quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng.

7. Hỏi: Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm như thế nào trong phòng, chống tham nhũng? 

Đáp:

Điều 85 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp như sau:

(1) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng; 

(2) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

(3) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng;

(4) Tổ chức công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về phòng, chống tham nhũng;

(5) Hằng năm, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về công tác phòng, chống tham nhũng.

8. Hỏi: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm như thế nào trong phòng, chống tham nhũng? 

Đáp:

Điều 86 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao như sau:

(1)  Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm tổ chức thực hiện, chỉ đạo thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với tội phạm tham nhũng; điều tra tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. 

(2) Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án tham nhũng thuộc thẩm quyền, giám đốc việc xét xử các vụ án tham nhũng của các tòa án khác, tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các vụ án tham nhũng.

9. Hỏi: Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm như thế nào? 

Đáp:

Điều 87 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước như sau:

Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm kiểm toán nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật.

10. Hỏi: Trách nhiệm phối hợp của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác được quy định như thế nào?

Đáp:

Điều 87 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về trách nhiệm phối hợp của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác như sau:

(1) Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

- Phối hợp với nhau và phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng;

- Phối hợp trong việc tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng; kiến nghị chính sách, pháp luật, giải pháp phòng, chống tham nhũng.

(2) Cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tạo điều kiện, phối hợp với Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng./.

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH TUYÊN QUANG

Địa chỉ: Số 501 đường 17/8, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang, Điện thoại: (027) 3.822.831 - FAX: (027) 3.922.187 - Email: banbientapstptq@gmail.com

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 41/GP-TTĐT do Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 12/5/2015

Trưởng Ban biên tập: Bà Nguyễn Thị Thược - Giám đốc Sở.

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp Tuyên Quang (tuphaptuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang