Hiệu quả từ Đề án 06

27/09/2023 - 17:05
78

Đề án 06 của Chính phủ được triển khai với mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số; mọi thủ tục hành chính, giao dịch tài chính được cải cách, đơn giản hóa và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến phục vụ Nhân dân. Tại Tuyên Quang, vượt qua những khó khăn ban đầu, tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc triển khai Đề án 06, từng bước đưa những lợi ích thiết thực của Đề án đến với người dân.

 

Với vai trò cơ quan Thường trực Tổ Công tác Đề án 06, Công an tỉnh đã chủ trì tham mưu tổ chức giao ban định kỳ hàng tháng với thành viên tổ công tác Đề án 06 tỉnh; thiết lập đường dây nóng của Tổ công tác 68 để tiếp nhận, giải đáp khó khăn, vướng mắc của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân về khai thác, sử dụng thông tin cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công (DVC) trực tuyến; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip và phát động Nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng, tham gia đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT).

Công an tỉnh chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác làm sạch dữ liệu dân cư, hộ tịch... đảm bảo nguồn dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống". Công tác cấp CCCD gắn chíp điện tử, định danh cá nhân, giải quyết cư trú trên DVC được thực hiện nghiêm túc. Công tác tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, giúp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn hiểu được vai trò, vị trí, ý nghĩa và sự cần thiết của CCCD gắn chíp điện tử, ĐDĐT, DVC trực tuyến, có sự phối hợp, hỗ trợ thực hiện. 

Đến ngày 10/6/2023, Công an tỉnh hoàn thành chỉ tiêu thu nhận hồ sơ cấp CCCD (trước 50 ngày Bộ Công an giao) cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh và chỉ tiêu đăng ký, kích hoạt tài ĐDĐT đúng tiến độ, đồng thời duy trì thực hiện thường xuyên. Tính đến ngày 13/7/2023, toàn tỉnh đã thu nhận hồ sơ đề nghị cấp tài khoản ĐDĐT mức 2 và hướng dẫn công dân đăng ký tài khoản ĐDĐT mức 1 với trên 544 nghìn tài khoản. Hiện đã kích hoạt thành công tổng số hơn 394 nghìn tài khoản ĐDĐT mức 1 và mức 2; thu nhận trên 696 nghìn hồ sơ cấp CCCD gắn chip điện tử. 

Lực lượng Công an phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) hỗ trợ người dân đăng ký, kích hoạt, sử dụng tài khoản ĐDĐT

Một trong những mục tiêu của Đề án 06 là giúp giảm tối đa thời gian giải quyết TTHC của công dân, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước trong công tác lưu trữ, bảo quản hồ sơ. Đối với 25 DVC thiết yếu, căn cứ vào tiến độ triển khai, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện cung cấp các DVC thiết yếu thuộc lĩnh vực chuyên ngành theo quy định.

Đến tháng 7/2023, tổng hồ sơ tiếp nhận là 130,7 nghìn hồ sơ, đạt 81%; nhiều DVC có tổng số hồ sơ trực tuyến đạt tỷ lệ cao thuộc thẩm quyền ngành Công an, Điện lực, Tài nguyên và Môi trường, Thuế, Tư pháp,... tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thực hiện TTHC, giao dịch dân sự. Trong đó, đối với 02 DVC liên thông đã phát sinh 293 hồ sơ (DVC đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) là 257 hồ sơ; 36 hồ sơ liên thông về đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí).

Việc đẩy mạnh triển khai các DVC trực tuyến mang lại hiệu quả rất lớn, tiết kiệm chi phí, góp phần giảm tiếp xúc giữa người dân và cán bộ cơ quan Nhà nước; thay đổi tư duy trong phối hợp đồng hành của các bộ, ngành trong phối hợp giải quyết phục vụ nhân dân. 

Các cơ quan, đơn vị cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa DVC trực tuyến đến gần dân hơn. Chị Đỗ Minh Thu, chuyên viên Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho biết: Quá trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ trực tiếp cho người dân, chị đều chủ động phân luồng. Nếu đủ điều kiện nộp trực tuyến chị hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản, thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và cài, sử dụng ứng dụng VssID (ứng dụng của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam). Đa số người được hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến đều bày tỏ sự hài lòng về những tiện ích mang lại.

Người dân đến giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp để khám, chữa bệnh, cập nhật thông tin tiêm chủng, cấp hộ chiếu vaccine và triển khai cấp giấy khám sức khỏe điện tử được đẩy mạnh. Có 166/166 cơ sở khám chữa bệnh sử dụng CCCD gắn chip phục vụ khám chữa bệnh BHYT; số lượt tra cứu bằng CCCD gắn chip để khám chữa bệnh BHYT thành công là 307.490, đạt tỷ lệ 83%.

Như trường hợp ông Tạ Trung Thành, phường An Tường, (TP Tuyên Quang), với duy nhất tấm thẻ CCCD, ông Thành chỉ mất vài phút để hoàn tất thủ tục đăng ký khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ông Thành chia sẻ: Từ khi sử dụng CCCD để đăng ký khám, tôi cảm thấy rất thuận tiện, đặc biệt đối với những người già, về hưu như chúng tôi. Vì tất cả mọi thứ đã được tích hợp trong thẻ CCCD cho nên không phải chuẩn bị nhiều giấy tờ như mọi khi nữa.

Theo Th.s Bs Trịnh Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khi người bệnh đưa thẻ CCCD ra, các cán bộ y tế sẽ quét mã thẻ đó để lên các thông tin của thẻ BHYT. Các thông tin của thẻ còn hạn hay không, cũng như các tỷ lệ về mức độ hưởng bảo hiểm... đều được thể hiện trên màn hình máy vi tính. Bệnh viện cũng không phải tra đối chiếu giữa BHYT có trùng với thẻ CCCD hay không. Từ đó đem lại thuận lợi hơn và rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh.

Lực lượng Công an huyện Lâm Bình thu nhận thông tin cấp thẻ CCCD gắn chip cho người dân

Các sở, ban, ngành, Công an các đơn vị, địa phương tích cực đăng tải tin, bài viết, video, phóng sự, hình ảnh trên mạng Internet, các trang mạng xã hội như zalo, facebook, fanpage... để thông tin về quá trình triển khai thực hiện Đề án 06, công tác cấp CCCD, định danh điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn phần. Qua công tác tuyên truyền đã thu hút, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, phối hợp của các lực lượng chức năng, các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là sự ủng hộ của quần chúng nhân dân trên địa bàn trong triển khai thực hiện Đề án 06; những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, hạn chế dần được khắc phục, giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc tiếp cận, sử dụng các DVC trực tuyến và việc giải quyết các TTHC trên môi trường điện tử của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. 

Dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, quá trình triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn như: Toàn tỉnh còn 78 thôn chưa có sóng hoặc sóng yếu, không ổn định; một số thôn bản còn vùng lõm sóng do địa hình đường núi cao che khuất vùng phủ sóng; có 5 thôn chưa có điện. 

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh còn một số hạn chế. Việc khai thác số liệu chưa thể hiện được đầy đủ các tiêu chí theo Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên Cổng DVC quốc gia; việc khai thác số liệu chưa tiện ích: Có tiêu chí chỉ thể hiện số liệu tổng chung của tỉnh, không thể hiện được số liệu chi tiết từng cơ quan, đơn vị hoặc ngược lại; việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để tái sử dụng chưa đáp ứng đủ yêu cầu theo quy trình, chưa có chức năng “bóc tách dữ liệu”; việc ứng dụng CSDLQG về DC, CCCD, tài khoản ĐDĐT VNeID chưa được phát triển rộng rãi, chuyển chuyển biến rõ nét, điển hình; số lượng công chức, viên chức chuyên trách, chuyên gia giỏi, kỹ sư đầu ngành về phần mềm, bảo mật, công nghệ số còn thiếu… Mặt khác, trình độ của người dân trong việc sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa thành thạo, có nhiều người không có điện thoại thông minh…

Tỉnh Tuyên Quang xác định, việc triển khai thực hiện Đề án 06 tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phải có trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo phương châm dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Do đó, một trong những giải pháp quan trọng mà tỉnh đưa ra là: Tập trung xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn; sử dụng có hiệu quả Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân để chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa; Phổ cập ứng dụng chữ ký số công cộng,dịch vụ chứng thực điện tử, hoàn thành thiết kế các biểu mẫu điện tử đơn giản, tiện dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện DVC; tiếp tục cung cấp các DVC trực tuyến gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để tập trung triển khai thực chất, thuận lợi, kịp thời, hiệu quả; dữ liệu phải được làm sạch, bổ sung và cập nhật theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống” được kết nối đồng bộ vào cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ 05 nhóm tiện ích Đề án 06…

Với những hạn chế về nguồn lực cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ, việc thực hiện chuyển đổi số là một thách thức không nhỏ với nhiều tỉnh miền núi, trong đó có Tuyên Quang. Song sự hài lòng và niềm vui của người dân cho thấy việc triển khai Đề án 06 tại địa phương đang đi vào thực chất, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống của Nhân dân.

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH TUYÊN QUANG

Địa chỉ: Số 501 đường 17/8, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang, Điện thoại: (027) 3.822.831 - FAX: (027) 3.922.187 - Email: banbientapstptq@gmail.com

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 41/GP-TTĐT do Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 12/5/2015

Trưởng Ban biên tập: Bà Nguyễn Thị Thược - Giám đốc Sở.

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp Tuyên Quang (tuphaptuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang