Công chức xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) tuyên truyền đến người dân về chuyển đổi số.
Xác định rõ chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, ông Cầm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa cho biết, để bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số, những năm qua xã Yên Nguyên đã từng bước trang bị và nâng cấp hệ thống máy tính, đào tạo nguồn nhân lực cập nhập kiến thức mới. Đến thời điểm này nhiều thủ tục hành chính đã được xã cập nhập lên hệ thống dịch vụ công trực tuyến như: đăng ký khai sinh, khai tử, tạm trú, tạm vắng... Nhiều dịch vụ đã được liên thông giữa các ngành tạo thuận lợi cho người dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính, ngoài ra các ứng dụng chữ ký số thông tin văn bản qua hệ thống office đã góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho cán bộ xã. UBND xã đã thành lập tổ công tác thực hiện đề án 06, thành lập các tổ tuyên truyền tại các thôn bản để người dân nắm bắt và thực hiện.
Tại xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình, 100% cán bộ, công chức của xã đã sử dụng thành thạo phần mềm quản lý văn bản và điều hành để xử lý văn bản trên môi trường mạng. Tại bộ phận Một cửa của xã, công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng, văn hóa - xã hội đã cài đặt các phần mềm chuyên ngành để xử lý công việc và giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời khai thác hiệu quả thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công chức Tư pháp - hộ tịch xã Xuân Lập Lò Văn Ly cho biết, được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số, giờ anh Ly đã cài đặt trên điện thoại thông minh, máy tính các phần mềm để xử lý công việc. Hằng ngày, anh cũng thường xuyên khai thác thông tin trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Theo đồng chí Giàng Seo Dính, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập, với việc sử dụng phần mềm quản lý và điều hành văn bản 100% trên môi trường mạng đã giúp cho cán bộ, công chức ở xã xử lý, giải quyết kịp thời công việc đảm bảo về thời gian.
Trên địa bàn tỉnh có trên 138 xã, phường, thị trấn nếu như trước đây việc triển khai hạ tầng số vẫn còn những hạn chế như đường truyền mạng chưa ổn định, cấp chữ ký số còn chưa đầy đủ; sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả; thì hiện nay hạ tầng số của các xã đã được cải thiện đáng kể, hệ thống mạng internet đảm bảo liên tục thông suốt, giúp cán bộ giải quyết công việc nhanh chóng hiệu quả. Đến nay, 100% cán bộ, công chức được cấp chữ ký số và sử dụng thường xuyên văn bản đi đến được xử lý theo đúng quy định, không còn tình trạng tồn đọng; 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình. Ngoài ra, một trong những chuyển biến tích cực ở cấp xã đó chính là người dân đã dần thay đổi về nhận thức trở thành những nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với các hoạt động như thực hiện giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ khám chữa bệnh, tiền điện, nước, lệ phí trong giải quyết TTHC…
Thanh niên phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng chính quyền số tỉnh Tuyên Quang.
Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, việc xây dựng chính quyền số được triển khai tương đối đồng bộ, VNPT tỉnh đã rà soát hệ thống máy tính, các thiết bị để bảo đảm an toàn, tránh lộ lọt thông tin. Hệ thống mạng LAN, wifi được tối ưu, nâng cao tính bảo mật thông tin. Hệ thống trang thông tin và ứng dụng chuyển đổi số cung cấp thông tin thường xuyên về hoạt động của chính quyền địa phương tới người dân, đồng thời cũng là kênh để người dân phản ánh, kiến nghị, đóng góp ý kiến với lãnh đạo xã. Việc sử dụng máy tính, thiết bị di động cũng như việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm số hóa công việc hàng ngày được cải thiện rõ nét, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Thời gian tới để chuyển đổi số ở cấp xã được thực hiện hiệu quả, cần đẩy mạnh các ứng dụng rộng rãi việc chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, qua đó góp phần đẩy nhanh, mạnh hiệu quả hoạt động chuyển đổi số bắt kịp với xu thế chung của cả nước.