Các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong 9 tháng năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số, đạt nhiều kết quả tích cực. Các chính sách, văn bản pháp lý quan trọng về chuyển đổi số đã được ban hành. Tỷ lệ người dân sử dụng internet, điện thoại thông minh tăng mạnh. Cơ sở dữ liệu quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ… Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, tăng 15 bậc so với năm 2022.
Chính phủ Việt Nam quyết tâm theo đuổi cuộc cách mạng chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân và hiện đại hóa quản trị quốc gia, mang lại lợi ích cho mọi người dân và cho đất nước.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương chủ trì tại điểm cầu Tuyên Quang
Năm 2024, chuyển đổi số quốc gia có chủ đề: “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước chung tay chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Sự kiện cũng truyền tải thông điệp của Chính phủ quyết tâm theo đuổi cuộc cách mạng chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân và hiện đại hóa quản trị quốc gia, mang lại lợi ích cho mọi người dân và cho đất nước.
Tại Tuyên Quang, qua 03 năm thực hiện Nghị quyết số số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã ban hành 21 Quyết định, 40 Kế hoạch liên quan tới chuyển đổi số, làm căn cứ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện trên 03 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Hạ tầng số, các nền tảng số được triển khai ứng dụng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh xây dựng, kết nối, chia sẻ. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an đã được kết nối, liên thông với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Nhận thức, thói quen từ môi trường thực sang môi trường số của người dân từng bước được chuyển đổi; tiến trình chuyển đổi số đã đạt được một số kết quả bước đầu. Các tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập và hoạt động tích cực, góp phần nâng cao kỹ năng số cho người dân.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Tuyên Quang
Tại sự kiện, các đại biểu tập trung đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác những kết quả đạt được về chuyển đổi số quốc gia năm 2024, nhất là về kinh tế số; đại diện một số doanh nghiệp, đơn vị đã có các tham luận, chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh cũng như các giải pháp công nghệ số đang triển khai tại doanh nghiệp.
Chương trình cũng giới thiệu những kết quả nổi bật và dấu ấn của Tổ Công nghệ số cộng đồng trong hành trình chuyển đổi số quốc gia. Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo bộ, ngành, đoàn thể cũng đối thoại, tọa đàm với các doanh nghiệp và thành viên tiêu biểu Tổ công nghệ số cộng đồng.
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ấm no, hạnh phúc, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương, động đồng doanh nghiệp, người dân trong công tác chuyển đổi số.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương kịp thời phát hiện, khen thưởng, tôn vinh các cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, đặc biệt là các Tổ Công nghệ số cộng đồng; phải hoàn thiện hành lang pháp lý số cho mọi vấn đề liên quan đến kinh tế, giao dịch dân sự, sản xuất, kinh doanh... gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ; miễn giảm thuế, phí, lệ phí; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Chuyển đổi số cần hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, tăng tốc và bứt phá hơn, những vẫn phải thực chất và hiệu quả. Tập trung vào 3 khâu đột phá gồm xây dựng thể chế số; hạ tầng số gắn với hạ tầng chiến lược khác; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (con người số). Bảo đảm "Thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực quản trịthông minh".
Với những nỗ lực, quyết tâm và sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Thủ tướng tin tưởng, công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ chuyển biến nhanh, bền vững và toàn diện, bao trùm, góp phần quan trọng cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh