Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết luận chỉ đạo giải pháp nâng cao các Chỉ số: PCI, Par Index, Sipas, Papi cấp tỉnh

20/06/2024 - 01:03
18

Ngày 05/6/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Thông báo số 107/TB-UBND Kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Tuyên Quang tại Hội nghị Ban chỉ đạo bàn giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); Chỉ số cải cách hành chính (Par Index); Chỉ số hài lòng hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Sipas); Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (Papi).

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Tuyên Quang kết luận như sau:

I. Về thực hiện nhiệm vụ cải thiện Chỉ số PCI và PGI:

1. Trách nhiệm chung của các cơ quan, đơn vị

1.1. Người đứng đầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố căn cứ kết quả đánh giá xếp hạng Chỉ số PCI năm 2023, các chỉ số thành phần bị giảm điểm và các chỉsố có điểm số thấp liên quan đến trách nhiệm của ngành tham mưu quản lý; phải nghiêm túc đánh giá chỉ ra các mặt hạn chế, khuyết điểm, xây dựng nhiệm vụ cụ thể để nâng cao điểm số các chỉ số thành phần PCI năm 2024 và năm 2025. Tập trung, quyết liệt có các giải pháp phù hợp, thiết thực để triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 15/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 07/02/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vào tỉnh.

1.2. Tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Khuyến khích người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí. Công khai, minh bạch quy trình giải quyết thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và thu hút đầu tư.

1.3. Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2024 và năm 2025 tỉnh Tuyên Quang.

2. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

2.1. Thực hiện tốt nhiệm vụ, vai trò của cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Tuyên Quang về nâng cao Chỉ số PCI và Chỉ số PGI năm 2024 và năm 2025 của tỉnh. 2.2. Chủ trì theo dõi, đôn đốc việc thực hiện tại các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PCI và PGI của tỉnh.

2.3. Căn cứ ý kiến phát biểu của các đại biểu tại hội nghị khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số xanh cấp tỉnh năm 2024 và năm 2025 trên địa bàn tỉnh, trong đó phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp để trong năm 2024 Chỉ số PCI của tỉnh ở vị trí thứ 40 và năm 2025 ở vị trí thứ 30 trong bảng xếp hạng Chỉ số PCI của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thời gian hoàn thành trình Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 25/6/2024.

II. Về thực hiện nhiệm vụ cải thiện Chỉ số cải cách hành chính (Parindex), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Sipas) cấp tỉnh

1. Trách nhiệm chung của các cơ quan

Người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1.1. Tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 30/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 23/8/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về nâng cao Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh năm 2023 và các năm tiếp theo; hoàn thành 65 nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 268/KH-UBND ngày 23/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về cải cách hành chính tỉnh Tuyên Quang năm 2024 và các văn bản chỉ đạo khác của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

1.2. Thực hiện công khai kịp thời 100% TTHC ngay sau khi nhận được quyết định công bố của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, không để xảy ra tình trạng trễ hẹn. Rà soát, kiểm tra, có giải pháp khắc phục dứt điểm đối với các trường hợp hồ sơ quá hạn giải quyết TTHC, trọng tâm là các hồ sơ trực tuyến nộp từ Cổng dịch vụ công quốc gia quá hạn xử lý. Đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại cấp huyện, cấp xã; phấn đấu đạt 100% hồ sơ trực tuyến toàn trình, thực hiện thanh toán trực tuyến theo đúng quy định.

1.3. Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính; phối hợp với các cơ quan được giao phụ trách các nội dung cải cách hành chính của tỉnh có giải pháp khắc phục các tiêu chí chưa đạt điểm, các tiêu chí đạt điểm còn thấp.

1.4. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền CCHC; đề xuất, triển khai các sáng kiến, giải pháp mới trong công tác cải cách hành chính và báo cáo kết quả, hiệu quả của sáng kiến trong báo cáo cải cách hành chính định kỳ quý, 6 tháng, năm gửi Sở Nội vụ tổng hợp theo quy định.

1.5. Triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác chuyển đổi số và Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

1.6. Tăng cường phối hợp giữa cơ quan, đơn vị được thực hiện điều tra, khảo sát đánh giá tác động của cải cách hành chính đối với từng lĩnh vực trong đánh giá, chấm điểm xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của đối tượng được điều tra trong khảo sát, đánh giá.

1.7. Thực hiện có hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, xã; chú trọng bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước.

2. Trách nhiệm của các cơ quan được giao nhiệm vụ tham mưu, theo dõi về lĩnh vực CCHC

2.1. Sở Nội vụ:

- Phát huy vai trò của cơ quan thường trực, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong triển khai thực hiện có hiệu quả, kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện CCHC của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các vấn đề phát hiện qua kiểm tra. Tham mưu thực hiện các giải pháp để duy trì, cải thiện và nâng cao vị trí thứ hạng của công tác chỉ đạo, điều hành.

- Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện CCHC của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các vấn đề phát hiện qua kiểm tra theo đúng quy định. Tổ chức kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chủ trì theo dõi, đôn đốc việc thực hiện tại các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và đơn vị trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC của tỉnh; định kỳ hằng tháng tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả chấm điểm các tiêu chí của Bộ Nội vụ xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh thuộc lĩnh vực được giao phụ trách (qua Sở Nội vụ tổng hợp) trước ngày 25 của tháng báo cáo.

- Căn cứ ý kiến phát biểu của các đại biểu tại hội nghị khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ giải pháp nâng cao nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) tỉnh Tuyên Quang và Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (Papi) năm 2024 và năm 2025; thời gian hoàn thành trình Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30/6/2024.

2.2. Sở Tư pháp

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng, theo dõi, rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh, theo dõi thi hành pháp luật; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, góp phần nâng cao điểm số trong điều tra xã hội học đánh giá tác động của cải cách hành chính đến chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.

2.3. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường các giải pháp thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng nội dung giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức; tiếp tục tham mưu tổ chức có hiệu quả hoạt động của Trung tâm hành chính công của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu thực hiện tốt Bộ Chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực hiện trên môi trường điện tử theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 22/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó chủ động đôn đốc, theo dõi các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thực hiện nhiệm vụ công khai, minh bạch việc công bố, cập nhật công khai TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

2.4. Sở Tài chính

Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của tỉnh về quản lý, sử dụng tài sản công; tổ chức thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách; Số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên chưa đạt theo quy định; tỷ lệ giảm chi trực tiếp ngân sách cho đơn vị sự nghiệp; thực hiện thu ngân sách hàng năm của tỉnh theo Kế hoạch được Chính phủ giao.

2.5. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu giải pháp thực hiện hiệu quả các nội dung về xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số; khắc phục hạn chế của các tiêu chí bị trừ điểm năm 2023; theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.

- Tham mưu các giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến.

III. Về nhiệm vụ cải thiện Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (Papi)

Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Khẩn trương rà soát những tiêu chí bị trừ điểm qua kết quả công bố Chỉ số PAPI năm 2023 thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, xác định nguyên nhân; qua đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm khắc phục, cải thiện, nâng cao điểm số đối với 02 chỉ số thành phần, chỉ số nội dung thành phần thuộc nhóm thấp (thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công) và 04 chỉ số thành phần, chỉ số nội dung thành phần thuộc nhóm trung bình thấp (trách nhiệm giải trình với người dân; quản trị môi trường; quản trị điện tử; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định) được chỉ ra tại Báo cáo số 200/BC-SNV ngày 16/5/2024 của Sở Nội vụ về phân tích Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (Papi) tỉnh Tuyên Quang năm 2023./.

Tin: Trương Lan.

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH TUYÊN QUANG

Địa chỉ: Số 501 đường 17/8, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang, Điện thoại: (027) 3.822.831 - FAX: (027) 3.922.187 - Email: banbientapstptq@gmail.com

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 41/GP-TTĐT do Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 12/5/2015

Trưởng Ban biên tập: Bà Nguyễn Thị Thược - Giám đốc Sở.

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp Tuyên Quang (tuphaptuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang