Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây viết tắt là Nghị định số 08/2022/NĐ-CP) và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2022 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (sau đây viết tắt là Nghị định số 45/2022/NĐ-CP).
Dưới đây là 25 tình huống pháp luật về môi trường:
1. TÌNH HUỐNG 01: Quyền, nghĩa vụ của chủ cơ sở được cấp giấy phép môi trường
Cơ sở sản xuất của bà Liên đã được UBND huyện M cấp giấy phép môi trường theo quy định. Bà Liên băn khoăn không biết sau khi được cấp giấy phép môi trường thì bà có quyền, nghĩa vụ như thế nào nên đã đến UBND xã N để hỏi.
Hỏi: Chủ cơ sở được cấp giấy phép môi trường có quyền và nghĩa vụ như thế nào?
Trả lời:
Chủ cơ sở được cấp giấy phép môi trường có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 47 Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể:
“Điều 47. Quyền, nghĩa vụ của chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp giấy phép môi trường
1. Chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp giấy phép môi trường có quyền sau đây:
a) Được thực hiện các nội dung cấp phép môi trường quy định trong giấy phép môi trường;
b) Đề nghị cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường;
c) Quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp giấy phép môi trường có nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong giấy phép môi trường. Trường hợp có thay đổi so với nội dung giấy phép đã được cấp, phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép xem xét, giải quyết;
b) Nộp phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường;
c) Thực hiện đúng quy định về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này;
d) Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường;
đ) Công khai giấy phép môi trường, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
e) Cung cấp các thông tin có liên quan theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình kiểm tra, thanh tra;
g) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.
2. TÌNH HUỐNG 02: Đối tượng phải đăng ký môi trường
Cơ sở sản xuất của ông Tiến đã hoạt động từ năm 2019. Trong quá trình sản xuất, cơ sở của ông Tiến có phát sinh nước thải với lượng nước thải là 07 m3/ngày không được xử lý bằng công trình xử lý tại chỗ, nhưng không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường. Thấy vậy, ông Mạnh là Trưởng thôn đã nhắc nhở ông Tiến thực hiện việc đăng ký môi trường theo quy định.
Hỏi: Ông Mạnh nhắc nhở ông Tiến như vậy có đúng không? Tại sao?
Trả lời:
Ông Mạnh nhắc nhở ông Tiến như vậy là đúng. Vì:
Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
1. Đối tượng phải đăng ký môi trường bao gồm:
a) Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường;
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường”.
2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được miễn đăng ký môi trường bao gồm:
a) Dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh;
b) Dự án đầu tư khi đi vào vận hành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải với khối lượng nhỏ, được xử lý bằng công trình xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương;
c) Đối tượng khác…”.
Điều 32 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định:
“Điều 32. Đối tượng được miễn đăng ký môi trường
1. Dự án đầu tư, cơ sở quy định tại điểm a khoản 2 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường.
2. Dự án đầu tư khi đi vào vận hành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg/ngày được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương; hoặc phát sinh nước thải dưới 05 m3/ngày, khí thải dưới 50 m3/giờ được xử lý bằng công trình thiết bị xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương.
3. Danh mục dự án đầu tư, cơ sở được miễn đăng ký môi trường quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Nghị định này”.
Căn cứ các quy định nêu trên, cơ sở sản xuất của ông Tiến có phát sinh nước thải với lượng nước thải là 07 m3/ngày, không được xử lý bằng công trình xử lý tại chỗ nhưng không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường nên cơ sở sản xuất của ông Tiến thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường.
3. TÌNH HUỐNG 03: Cơ quan tiếp nhận đăng ký môi trường
Ông Nam dự kiến thực hiện một dự án đầu tư thuộc trường hợp phải đăng ký môi trường. Qua tìm hiểu ông được biết cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký môi trường là UBND cấp xã nơi thực hiện dự án đầu tư. Tuy nhiên, dự án đầu tư của ông dự kiến thực hiện trên địa bàn 02 xã là xã Q và xã T. Ông băn khoăn không biết trong trường hợp này thì ông phải thực hiện đăng ký môi trường ở UBND xã Q hay UBND xã T? Đăng ký môi trường bao gồm những nội dung gì?
Hỏi: Trong trường hợp này, ông Nam phải thực hiện đăng ký môi trường ở UBND xã Q hay UBND xã T? Đăng ký môi trường bao gồm những nội dung gì?
Trả lời:
Trong trường hợp này, ông Nam có quyền lựa chọn UBND xã Q hoặc UBND xã T để đăng ký môi trường, vì:
Tại khoản 3 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
Đối với dự án đầu tư, cơ sở trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên, chủ dự án đầu tư, cơ sở được quyền chọn Ủy ban nhân dân cấp xã để đăng ký môi trường”.
Theo đó, đối với dự án đầu tư, cơ sở trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên, chủ dự án đầu tư, cơ sở được quyền lựa chọn UBND cấp xã để đăng ký môi trường.
Nội dung đăng ký môi trường được quy định tại khoản 4 Diều 49 Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm:
(1) Thông tin chung về dự án đầu tư, cơ sở.
(2) Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; công nghệ, công suất, sản phẩm; nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất sử dụng (nếu có).
(3) Loại và khối lượng chất thải phát sinh.
(4) Phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải theo quy định.
(5) Cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường.
4. TÌNH HUỐNG 04: Đăng ký lại môi trường
Cơ sở sản xuất của bà Hiền thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường và đã thực hiện đăng ký môi trường theo đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, cơ sở sản xuất của bà Hiền dự kiến thay đổi phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải. Bà Hiền băn khoăn không biết mình phải làm gì trước khi thực hiện thay đổi nêu trên nên đã đến UBND xã để hỏi.
Hỏi: Trong trường hợp này, bà Hiền phải làm gì trước khi thực hiện thay đổi phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải?
Trả lời:
Trong trường hợp này, bà Hiền phải thực hiện việc đăng ký môi trường lại trước khi thực hiện việc thay đổi phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải. Vì:
Tại khoản 4, khoản 5 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
“4. Nội dung đăng ký môi trường bao gồm:
a) Thông tin chung về dự án đầu tư, cơ sở;
b) Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; công nghệ, công suất, sản phẩm; nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất sử dụng (nếu có);
c) Loại và khối lượng chất thải phát sinh;
d) Phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải theo quy định;
đ) Cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường.
5. Trong quá trình hoạt động, nếu dự án đầu tư, cơ sở có thay đổi về nội dung đã đăng ký, chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm đăng ký môi trường lại trước khi thực hiện các thay đổi đó.
Trường hợp việc thay đổi quy mô, tính chất của dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường hoặc phải có giấy phép môi trường, chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm thực hiện quy định về đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường theo quy định của Luật này”.
Căn cứ quy định nêu trên, trong quá trình hoạt động, chủ cơ sở có thay đổi về nội dung đã đăng ký có trách nhiệm đăng ký môi trường lại trước khi thực hiện.
5. TÌNH HUỐNG 05: Trách nhiệm của chủ đầu từ xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp
Doanh nghiệp tư nhân Hiệp Hoà dự kiến sẽ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn huyện N. Do đó, Ông Hoà – chủ Doanh nghiệp tư nhân Hiệp Hoà đã đến UBND xã K để hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp trong việc thực hiện bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp.
Hỏi: Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp có trách nhiệm gì trong việc thực hiện bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp?
Trả lời:
Trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp trong việc thực hiện bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 51 và khoản 1, khoản 3 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể:
“Điều 51. Bảo vệ môi trường đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung
1. Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải có hạ tầng bảo vệ môi trường bao gồm:
a) Hệ thống thu gom, thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
b) Công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải theo quy định của pháp luật;
c) Hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định của Luật này;
d) Diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định của pháp luật về xây dựng…
…Điều 52. Bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp
1. Cụm công nghiệp phải có hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này.
…3. Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp có trách nhiệm sau đây:
a) Đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Không tiếp nhận thêm hoặc nâng công suất dự án đầu tư có phát sinh nước thải trong cụm công nghiệp khi chưa có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung;
d) Thu gom, đấu nối nước thải của các cơ sở trong cụm công nghiệp vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung;
đ) Yêu cầu cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa phải chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
e) Bố trí ít nhất một nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc được đảm nhiệm;
g) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tổ chức thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường; phối hợp kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trong cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật;
h) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường đối với chủ dự án đầu tư, cơ sở khi đăng ký đầu tư vào cụm công nghiệp;
i) Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật;
k) Ban hành quy chế về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
l) Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường của cụm công nghiệp gửi cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, cơ quan cấp giấy phép môi trường và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật;
m) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật”.
6. TÌNH HUỐNG 06:
Ông Hùng dự kiến mở một xưởng rèn tại nhà thuộc khu dân cư 10, thị trấn T, huyện T. Do đó, ông đã đến hỏi ý kiến ông Vấn - Tổ tưởng tổ dân phố 10 thì được ông Vấn trả lời: “Cơ sở sản xuất có nguy cơ phát tán bụi, tiếng ồn tác động xấu đến sức khoẻ con người thì phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư”.
Hỏi: Ông Vấn trả lời như vậy có đúng không? Vì sao?
Trả lời:
Ông Vấn trả lời như vậy là đúng. Vì:
Tại khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
a) Có chất dễ cháy, dễ nổ;
b) Có chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ;
c) Có chất độc hại đối với người và sinh vật;
d) Có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người;
đ) Có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước”.
Theo đó, trường hợp cơ sở sản xuất có nguy cơ phát tán bụi, tiếng ồn tác động xấu đến sức khoẻ con người thì phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư.
7. TÌNH HUỐNG 7: Bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư
Nhà bà Hồng ở gần Vườn hoa A, chiều nào bà cũng thấy nhiều người đi dạo, chơi trong vườn hoa nên bà đã bày một quầy hàng di động nhỏ để bán nước giải khát cho những người đi dạo, chơi trong vườn hoa. Quầy hàng của bà Hồng làm phát sinh vỏ chai nhựa, bánh, kẹo, gây mất vệ sinh vườn hoa.
Hỏi: Trong trường hợp này, bà Hồng có vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không? Vì sao?
Trả lời:
Trong trường hợp này, bà Hồng đã vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Vì:
Tại khoản 3 Điều 57 Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước, đường giao thông công cộng, hệ sinh thái tự nhiên phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan, bảo vệ môi trường và không được lấn chiếm, san lấp, sử dụng sai mục đích”.
Theo đó, vườn hoa phải được giữ gìn, bảo vệ môi trường và không được sử dụng sai mục đích.
8. TÌNH HUỐNG 08: Yêu cầu về quản lý nước thải
Hộ gia đình ông Toàn dự kiến mở một cơ sở sản xuất có phát sinh nước thải. Do đó, ông Toàn đã đến UBND xã để hỏi yêu cầu về quản lý nước thải từ hoạt động sản xuất được quy định như thế nào?
Trả lời:
Yêu cầu về quản lý nước thải từ hoạt động sản xuất được quy định tại khoản 2 Điều 72 và khoản 3 Điều 86 Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:
“Điều 72. Yêu cầu về quản lý chất thải
…2. Yêu cầu chung về quản lý nước thải được quy định như sau:
a) Nước thải phải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận;
b) Nước thải được khuyến khích tái sử dụng khi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và mục đích sử dụng nước;
c) Nước thải có chứa thông số môi trường nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại;
d) Việc xả nước thải sau xử lý ra môi trường phải được quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phù hợp với khả năng chịu tải của môi trường tiếp nhận.
…Điều 86. Thu gom, xử lý nước thải
…3. Quản lý nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được quy định như sau:
a) Nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp được thu gom và xử lý sơ bộ trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp theo yêu cầu của chủ đầu tư xây dựng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp bảo đảm nước thải phải được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
b) Nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không kết nối được vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải phải được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận”.
9. TÌNH HUỐNG 09: Xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường
Ông Huy dự kiến mở một cơ sở sản xuất có phát sinh chất thải rắn thông thường. Do đó, ông Huy đã đến gặp ông Quang – Trưởng thôn nơi ông Huy cư trú để nhờ tư vấn, thì được ông Quang cho biết: “Cơ sở sản xuất phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường thì phải tái sử dụng, tái chế”.
Hỏi: Ông Quang nói như vậy có chính xác không? Vì sao?
Trả lời:
Ông Quang nói như vậy là chính xác. Vì:
Khoản 1 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
“Điều 82. Xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường phải tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chuyển giao cho các đối tượng sau đây:
a) Cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất, sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng được phép hoạt động theo quy định của pháp luật;
b) Cơ sở sản xuất có chức năng đồng xử lý chất thải phù hợp;
c) Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có chức năng phù hợp;
d) Cơ sở vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường đã có hợp đồng chuyển giao với đối tượng quy định tại các điểm a, b hoặc c khoản này”.
Theo đó, cơ sở sản xuất có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường phải tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chuyển giao cho cơ sở sản xuất để sử dụng, xử lý hoặc cơ sở vận chuyển theo hợp đồng chuyển giao với cơ sở sản xuất để sử dụng, xử lý.
10. TÌNH HUỐNG 10: Trách nhiệm của chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường
Sắp tới ông Kiên dự kiến mở công ty thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường. Nhưng ông băn khoăn không biết chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm gì nên đã đến UBND xã để hỏi.
Hỏi: Chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm gì?
Trả lời:
Tại khoản 3 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường quy định về trách nhiệm của chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường như sau:
“3. Chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm sau đây:
a) Bảo đảm các hệ thống, phương tiện, thiết bị, lưu giữ, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường bao gồm sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định;
b) Trường hợp có phát sinh chất thải nguy hại từ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường thì phải thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định;
c) Báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình phát sinh, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
d) Sử dụng biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý đối với mỗi lần nhận chuyển giao; lập nhật ký vận hành các hệ thống, phương tiện, thiết bị xử lý bao gồm sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường; sổ theo dõi số lượng các sản phẩm tái chế hoặc thu hồi từ chất thải rắn công nghiệp thông thường (nếu có)”.
11. TÌNH HUỐNG 11: Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại
Trong quá trình sản xuất, Doanh nghiệp tư nhân Giang Đạt do ông Đạt làm chủ có phát sinh chất thải nguy hại. Do đó, ông Đạt đã giao cho ông Thuỷ là nhân viên của doanh nghiệp tìm hiểu quy định về trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại.
Hỏi: Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại được quy định như thế nào?
Trả lời:
Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại được quy định tại khoản 1 Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể:
“Điều 83. Khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải nguy hại
1. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm sau đây:
a) Khai báo khối lượng, loại chất thải nguy hại trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường hoặc nội dung đăng ký môi trường;
b) Thực hiện phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ riêng và không để lẫn với chất thải không nguy hại, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường;
c) Tự tái sử dụng, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật hoặc chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở có giấy phép môi trường phù hợp để xử lý”.
12. TÌNH HUỐNG 12: Đối tượng được phép vận chuyển chất thải nguy hại
Trong quá trình hoạt động, Công ty ĐK có phát sinh chất thải nguy hại. Thời gian vừa qua, Công ty ĐK hợp đồng với một cơ sở xử lý chất thải nguy hại, theo đó việc vận chuyển chất thải từ Công ty ĐK đến cơ sở xử lý chất thải nguy hại do cơ sở xử lý chất thải thực hiện. Tuy nhiên, nay Công ty ĐK dự kiến tự thực hiện việc vận chuyển chất thải chất thải nguy hại đến cơ sở xử lý chất thải.
Hỏi: Chủ nguồn thải có được phép tự vận chuyển chất thải nguy hại đến cơ sở xử lý chất thải không? Phương tiện vận chuyển phải bảo đảm yêu cầu gì?
Trả lời:
Tại khoản 3 và khoản 4 Điều 83 Luật Bảo vệ m