Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường ( viết tắt là Nghị định số 08/2022/NĐ-CP) và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ( viết tắt là Nghị định số 45/2022/NĐ-CP).
Dưới đây là 20 tình huống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường:
1. TÌNH HUỐNG 1: Xử phạt đối với hộ kinh doanh vi phạm
Hộ kinh doanh Mai Thái (do ông Thái là đại diện) có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Mai Thái.
Hỏi: Trong trường hợp này, Hộ kinh doanh Mai Thái sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như đối với cá nhân vi phạm hay như đối với tổ chức vi phạm?
Trả lời:
Trong trường hợp này, Hộ kinh doanh Mai Thái sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như đối với cá nhân vi phạm, vì:
Tại khoản 2, 3 Điều 2 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
“2. Hộ gia đình, hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
3. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định này bao gồm:
a) Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã;
c) Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư; pháp nhân nước ngoài hoạt động trên vùng biển Việt Nam;
d) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
đ) Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
e) Các đơn vị sự nghiệp;
g) Tổ hợp tác;
h) Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, trường hợp hộ kinh doanh có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
2. TÌNH HUỐNG 02: Hình thức, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Để triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân chung tay bảo vệ môi trường”, anh Hoài – Trưởng thôn M dự kiến trong cuộc họp thôn tới sẽ thông tin đến bà con nhân dân trong thôn một số quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Do đó, anh đã đến UBND xã để hỏi quy định của pháp luật về hình thức, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Hỏi: Hình thức, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được quy định như thế nào?
Trả lời:
Hình thức, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:
“1. Hình thức xử phạt chính, mức xử phạt:
Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với: giấy phép môi trường; giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; giấy phép tiếp cận nguồn gen; giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen; quyết định công nhận phòng thí nghiệm nghiên cứu sinh vật biến đổi gen; quyết định công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen (sau đây gọi chung là giấy phép) hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành;
b) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính); tịch thu sản phẩm có giá trị sau khi tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật;
c) Việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn đối với cơ sở hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công được nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu được thực hiện theo quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp hành vi vi phạm của cơ sở không gây ô nhiễm môi trường hoặc cơ sở đã chấm dứt hành vi vi phạm hoặc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm do hành vi vi phạm hành chính gây ra. Thời điểm đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn được tính từ thời điểm cơ quan nhà nước đã giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu giao nhiệm vụ, chỉ định đơn vị hoặc lựa chọn được nhà thầu khác để cung ứng sản phẩm, dịch vụ công”.
3. TÌNH HUỐNG 03: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Doanh nghiệp tư nhân X của anh Hải đã thực hiện hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 1,2 lần, thời điểm lấy mẫu là ngày 12/4/2023. Đến ngày 12/5/2024, Doanh nghiệp tư nhân X chưa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nêu trên, do đó anh Hải đã đến gặp anh Kiên là Trưởng thôn nơi anh Hải cư trú, nhờ anh Kiên tư vấn đối với trường hợp này đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính chưa? Anh Kiên trả lời rằng: “Vì từ thời điểm lấy mẫu đến nay đã 01 năm 01 tháng nên đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải của Doanh nghiệp tư nhân X”.
Hỏi: Anh Kiên trả lời như vậy là đúng hay sai? Vì sao?
Trả lời:
Anh Kiên trả lời như vậy là sai. Vì:
- Điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:
“Điều 6. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”.
- Khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 5 và khoản 2 Điều 18 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
“Điều 5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 02 năm.
2. Các hành vi vi phạm đang thực hiện, các hành vi vi phạm đã kết thúc, thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định này được quy định như sau:
…c) Các hành vi vi phạm quy định tại các Điều 18, 19, 20, 21, 22, 23 Nghị định này là hành vi đã kết thúc, thì thời hiệu được tính từ thời điểm lấy mẫu…
Căn cứ các quy định nêu trên, đối với hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 1,2 lần thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm kể từ ngày lấy mẫu. Trong trường hợp này, từ thời điểm lấy mẫu (ngày 12/4/2023) đến ngày 12/5/2024 chưa được 02 năm (01 năm 01 tháng) nên chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 1,2 lần của Doanh nghiệp tư nhân X.
4. TÌNH HUỐNG 04: Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Cơ sở sản xuất của ông Bình (không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường) bắt đầu sản xuất từ năm 2020, nhưng không thực hiện đăng ký môi trường đủ các nội dung về loại chất thải, khối lượng chất thải phát sinh và phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải của cơ sở. Ngày 22/3/2024, cơ quan có thẩm quyền thi hành công vụ đã phát hiện hành vi vi phạm nêu trên. Qua tìm hiểu ông Bình được biết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 02 năm, nhưng ông băn khoăn không biết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính từ thời điểm nào nên đã đến UBND xã để hỏi.
Hỏi: Đối với hành vi vi phạm nêu trên của cơ sở sản xuất của ông Bình thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính từ thời điểm nào?
Trả lời:
Đối với hành vi vi phạm nêu trên của cơ sở sản xuất của ông Bình thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm (ngày 23/3/2024). Vì:
Điểm a khoản 2 Điều 5 và khoản 1 Điều 9 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
“Điều 5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
…2. Các hành vi vi phạm đang thực hiện, các hành vi vi phạm đã kết thúc, thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định này được quy định như sau:
a) Các hành vi được quy định tại Điều 9; điểm e, g, h khoản 1, điểm e, g, h khoản 2, điểm e, g, h khoản 3 Điều 11; điểm b, c khoản 1, điểm b, c khoản 2 Điều 13; điểm b, d, e khoản 1, điểm c, d, đ khoản 2, điểm c, d, đ khoản 3, điểm c, d, đ khoản 4 Điều 14; khoản 2, điểm e, g, h khoản 3, điểm e, g, h, i khoản 4, khoản 6 Điều 15 và Điều 38 Nghị định này là hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện, thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
Điều 9. Vi phạm các quy định về thực hiện đăng ký môi trường
1. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện nội dung đăng ký môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bị xử phạt như sau:
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp đăng ký môi trường không đúng thời hạn theo quy định; không đăng ký môi trường đủ các nội dung về loại chất thải, khối lượng chất thải phát sinh và phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải của dự án đầu tư, cơ sở; không đăng ký môi trường lại theo quy định”.
Căn cứ các quy định nêu trên, đối với trường hợp cơ sở sản xuất (không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường) không đăng ký môi trường đủ các nội dung về loại chất thải, khối lượng chất thải phát sinh và phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải của cơ sở thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.
5. TÌNH HUỐNG 05: Thực hiện không đúng phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải trong đăng ký môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận
Cơ sở sản xuất của ông Tuyến (không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường) đã thực hiện đăng ký môi trường và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, ông Tuyến thực hiện không đúng phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải trong đăng ký môi trường nêu trên.
Hỏi: Hành vi nêu trên của ông Tuyến có bị xử phạt vi phạm hành chính không và mức xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Việc ông Tuyến thực hiện không đúng phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải trong đăng ký môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận là hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP; mức xử phạt đối với trường hợp này được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP như sau:
“Điều 9. Vi phạm các quy định về thực hiện đăng ký môi trường
1. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện nội dung đăng ký môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bị xử phạt như sau:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ cam kết hoặc phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải trong đăng ký môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận, trừ trường hợp vi phạm quy định về chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại”.
Căn cứ quy định nêu trên, việc ông Tuyến thực hiện không đúng phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải trong đăng ký môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Thực hiện không đúng phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải trong đăng ký môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận”, bằng hình thức phạt tiền với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
6. TÌNH HUỐNG 06: Không có văn bản thông báo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường
Công ty TNHH TB thực hiện một dự án thuộc trường hợp phải đánh giá tác động môi trường (không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường) và đã được UBND tỉnh Y phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Ông Mạnh - Giám đốc công ty TB đã giao cho anh Cường (cán bộ trong Công ty TB) tìm hiểu quy định của pháp luật về trách nhiệm của chủ dự án đầu tư sau khi có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sau khi tìm hiểu, anh Cường báo cáo ông Mạnh rằng: “Khi hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, chủ dự án đầu tư có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho cơ quan đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức đối với trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường. Trường hợp không thông báo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng”.
Hỏi: Anh Cường báo cáo như vậy có chính xác không? Vì sao?
Trả lời:
Anh Cường báo cáo như vậy là chính xác. Vì:
- Khoản 3 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
“Điều 37. Trách nhiệm của chủ dự án đầu tư sau khi có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
… 3. Có văn bản thông báo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho cơ quan đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức đối với trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường”.
- Khoản 2 Điều 6 và điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
“Điều 6. Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
…2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
…Điều 10. Vi phạm các quy định về đánh giá tác động môi trường
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không có văn bản thông báo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định cho cơ quan đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức đối với trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường”.
Căn cứ các quy định nêu trên, chủ dự án đầu tư có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho cơ quan đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức đối với trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường. Trường hợp không thông báo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Không có văn bản thông báo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định cho cơ quan đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức”, bằng hình thức phạt tiền, trong đó: Đối với cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng; đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
7. TÌNH HUỐNG 07: Không công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định
Doanh nghiệp tư nhân Q – chủ dự án đầu tư đã được UBND tỉnh H phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, Doanh nghiệp tư nhân Q không thực hiện công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định.
Hỏi: Pháp luật có quy định bắt buộc chủ dự án đầu tư phải thực hiện công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định không? Trong trường hợp không công khai thì bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Tại khoản 5 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
“Điều 37. Trách nhiệm của chủ dự án đầu tư sau khi có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
… 5. Công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định tại Điều 114 của Luật này, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”.
Khoản 2 Điều 6 và điểm b khoản 1, khoản 4 Điều 10 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
“Điều 6. Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
…2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
…Điều 10. Vi phạm các quy định về đánh giá tác động môi trường
1. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thực hiện quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với dự án có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì xử phạt như sau:
… b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định;…
… 4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều này;
Theo các quy định nêu trên thì pháp luật có quy định bắt buộc chủ dự án đầu tư phải thực hiện công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định. Trong trường hợp không công khai thì bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Không công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định” bằng hình thức phạt tiền, trong đó: Đối với cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Đồng thời, chủ dự án đầu tư phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định”.
8. TÌNH HUỐNG 08: Thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung của giấy phép môi trường
Công ty TNHH CH tại xã T, huyện H chưa lắp đặt thiết bị, hóa chất khử trùng để xử lý nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất giày theo đúng nội dung Giấy phép môi trường do UBND tỉnh đã cấp cho Công ty CH.
Hỏi: Hành vi trên của Công ty TNHH CH có vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính không?
Trả lời:
Tại khoản 2 Điều 6 và khoản 2 Điều 11 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
- Khoản 2 Điều 6:
“Điều 6. Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
…2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”.
- Khoản 2 Điều 11:
“Điều 11. Vi phạm quy định về giấy phép môi trường
…2. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà đối tượng tương đương thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại các Điều 15, 29, 30, 31, 35 và 38 của Nghị định này bị xử phạt như sau:
h) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi xây l