20 tình huống pháp luật về hôn nhân và gia đình; Phòng, chống bạo lực gia đình

02/12/2024 - 16:56
30

1. Tình huống 01.

Vợ chồng anh C, chị B có 250 triệu đồng gửi tiết kiệm, mang tên anh C. Vì muốn hùn vốn để làm ăn chung với bạn, anh C bàn với vợ rút khoản tiền tiết kiệm trên. Chị B không đồng ý, vì muốn để phòng khi ốm đau. Mặc dù chị B không đồng ý, anh C vẫn tự ý rút số tiền tiết kiệm đó vì cho rằng mình là chủ gia đình nên có toàn quyền quyết định những việc lớn trong gia đình.

Hỏi: Anh C có quyền tự ý sử dụng số tiền tiết kiệm đó không, pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật hôn nhân và gia đình và các luật khác có liên quan”.

Khoản 1 Điều 29 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”.

Khoản 1 Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận”.

Như vậy, theo các quy định trên, vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. Theo đó, anh C không được tự ý dùng số tiền tiết kiệm chung của vợ chồng để đầu tư kinh doanh, việc sử dụng số tiền tiết kiệm phải được sự đồng ý của cả vợ và chồng.

2. Tình huống 02.

Sau khi kết hôn, anh Thắng yêu cầu vợ là chị Huyền ở nhà nội trợ, chăm sóc con nhỏ và bố mẹ chồng già yếu. Thấy yêu cầu của chồng cũng hợp lý nên chị Huyền nhất trí ở nhà nội trợ, dành thời gian để chăm sóc con cái và bố, mẹ chồng. Tuy nhiên, mẹ chồng chị Huyền thường xuyên đay nhiếc chị Huyền là không chịu làm ăn, chỉ ăn bám chồng, đồng thời cũng nói rằng tài sản trong nhà là của anh Thắng hết, chị Huyền không có quyền gì đối với số tài sản mà anh Thắng làm ra.

Hỏi: Ý kiến của mẹ chồng chị Huyền, tài sản trong nhà là của anh Thắng, chị Huyền không có quyền gì đối với số tài sản mà anh Thắng làm ra là đúng hay sai? Trong trường hợp này, tài sản vợ chồng anh Thắng và chị Huyền được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 16 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định:“Công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.

Đồng thời, Khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:“Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”.

Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định những tài sản sau đây là tài sản chung của vợ chồng:

- Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân;

- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung;

- Những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung;

- Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Cũng theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Theo các quy định trên, tài sản do anh Thắng làm ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, chị Huyền thực hiện công việc nội trợ, chăm sóc gia đình được coi như lao động có thu nhập và có quyền bình đẳng với anh Thắng trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Theo đó, kiến của mẹ chồng chị Huyền, tài sản trong nhà là của anh Thắng, chị Huyền không có quyền gì đối với số tài sản mà anh Thắng làm ra là sai.

3. Tình huống 03.

Gia đình anh Phương theo đạo tin lành, sau khi kết hôn với anh Phương, anh Phương và gia đình chồng ép chị Thảo phải theo đạo tin lành. Chị Thảo không đồng ý và mâu thuẫn gia đình phát sinh.

Hỏi: Pháp luật quy định vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

Chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta luôn coi trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân. Điều đó được thể hiện trong quy định của Hiến pháp và được cụ thể hóa trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ chồng, được quy định tại Điều 22 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau”.

Như vậy, theo quy định này, chị Thảo có quyền tự do quyết định theo hoặc không theo đạo tin lành. Việc chồng và gia đình chồng ép chị Thảo phải theo tôn giáo của họ là trái với quy định của pháp luật. Trong trường hợp này chị Thảo có thể giải thích, thuyết phục với chồng và gia đình chồng để họ hiểu và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mình.

4. Tình huống 04.
Anh D có hộ khẩu thường trú tại tỉnh X, lên công tác tại tỉnh T. Tại nơi công tác anh đã yêu và đăng ký kết hôn với chị P là người cùng cơ quan. Việc đăng ký kết hôn của anh D và chị P được thực hiện tại UBND xã A nơi chị P có hộ khẩu thường trú. Sau kết hôn được 01 năm chị P mới phát hiện ra anh D đã có vợ ở quê  là tỉnh X (đã đăng ký kết hôn theo quy định), không hiểu vì lý do gì mà anh đã xin được xác nhận của xã nơi cư trú về tình trạng hôn nhân để được đăng ký kết hôn với chị P. Biết việc anh D đã có vợ, chị P đã đến UBND xã A đề nghị huỷ việc đăng ký kết hôn giữa chị với anh D do anh D vi phạm điều kiện kết hôn. Trên cơ sở đề nghị của chị P và qua xác minh biết việc anh D đã có vợ ở quê, UBND xã A đã ban hành Quyết định huỷ việc kết hôn giữa anh D và chị P và thu hồi Giấy chứng nhận kết hôn.
Hỏi: Việc UBND xã A ban hành Quyết định huỷ việc kết hôn giữa anh D và chị P và thu hồi Giấy chứng nhận kết hôn có đúng thẩm quyền không?
Trả lời:
Việc UBND xã A ban hành Quyết định huỷ việc kết hôn giữa anh D và chị P và thu hồi Giấy chứng nhận kết hôn là không đúng thẩm quyền, vì:

Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về xử lý việc kết hôn trái pháp luật như sau:

“1. Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại Luật này và pháp luật về tố tụng dân sự.
2. Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.
3. Quyết định của Tòa án về việc hủy kết hôn trái pháp luật hoặc công nhận quan hệ hôn nhân phải được gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên kết hôn trái pháp luật; cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
4. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này”.
Theo quy định trên, việc xử lý việc kết hôn trái pháp luật thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân và được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Theo đó, UBND xã A không có thẩm quyền huỷ việc kết hôn trái pháp luật giữa anh D và chị P.
5. Tình huống 05.
Vợ chồng anh Q và chị H đăng ký kết hôn năm 2010, năm 2020 chị H đã tự ý bán chiếc xe máy SH mà vợ chồng đã mua năm 2015 (đăng ký quyền sử dụng tên chị) cho anh M. Biết việc chị H tự ý bán xe, anh Q không đồng ý và cho rằng việc chị H tự ý bán xe mà không được sự đồng ý của mình là không đúng với quy định của pháp luật và yêu cầu anh M trả lại xe.
Hỏi: Giao dịch giữa chị H và anh M có đúng quy định của pháp luật không? Tại sao?

Trả lời:
Giao dịch giữa chị H và anh M là không đúng quy định của pháp luật, vì:
Điều 26 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng như sau:
“1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật này.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi”.
Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng như sau:
“1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
3. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.
Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn”.
Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh như sau:
“1. Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.
2. Trong trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật này”.
Khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: "Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình".

Theo các quy định trên, mặc dù Giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu chiếc xe máy SH chỉ mang tên chị H, nhưng chiếc xe là tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, bên cạnh đó, theo quy định, việc định đoạt tài sản chung là động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu phải có sự thoả thuận bằng văn bản của vợ chồng, việc chị H tự ý bán cho xe anh M mà không có sự đồng ý của anh Q là không đúng với quy định của pháp luật, giao dịch đó sẽ bị vô hiệu.
6. Tình huống 06: Bố mẹ anh Toàn cho riêng anh Toàn ngôi nhà mà hiện nay là nơi ở duy nhất của vợ chồng anh Toàn.

Hỏi: Trong trường hợp này, khi anh Toàn thực hiện các giao dịch liên quan đến ngôi nhà thì có phải thỏa thuận với vợ không?

Trả lời:

Điều 31 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng như sau: “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng”.

Trường hợp nêu trên, nhà thuộc sở hữu riêng của anh Toàn thì anh Toàn có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến nhà đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ và các con của mình.

7. Tình huống 07: Chị Bình muốn mở cửa hàng bán quần áo để tăng thu nhập  cho gia đình nhưng anh Tính ‑ chồng chị Bình không đồng ý. Vì vậy, chị Bình đòi chia một phần tài sản chung để chị lo liệu mở cửa hàng. Hai vợ chồng mâu thuẫn vì không thống nhất được với nhau.

Hỏi: Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có được chia tài sản chung không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ một số trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Như vậy, trong trường hợp trên, trước hết chị Bình nên thuyết phục chồng đồng ý với nguyện vọng chính đáng của mình, nếu không thỏa thuận được với chồng về việc chia một phần tài sản chung, chị Bình có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung vợ chồng.

8. Tình huống 8: Chị Hoa làm ăn thua lỗ và mắc nợ một số cá nhân. Vợ chồng chị Hoa lập văn bản thỏa thuận về việc chia tài sản chung nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ của chị Hoa.

Hỏi: Văn bản thỏa thuận trên có được pháp luật công nhận không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 42 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

(2) Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;

b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;

c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;

d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;

đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;

e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, trong trường hợp trên, văn bản thỏa thuận về việc chia tài sản chung của vợ chồng chị Hoa nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ là vô hiệu và không được pháp luật công nhận.

8. Tình huống 08: Anh An đi làm và tiết kiệm được 500 triệu đồng. Số tiền này An đem hùn vốn kinh doanh với một người bạn và hiện trung bình mỗi tháng lợi nhuận thu được khoảng 10 triệu đồng. Năm tới, An dự định kết hôn.
Hỏi: Sau khi kết hôn, An  muốn giữ số vốn kinh doanh trên là tài sản riêng của mình có được không? Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ chồng được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:

Theo quy định tại Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật hôn nhân và gia đình; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật hôn nhân và gia đình.

Căn cứ vào quy định nêu trên, số tiền 500 triệu đồng là tài sản An tích lũy được trước khi kết hôn, vì vậy đó là tài sản riêng của An.

Theo Điều 44 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng được quy định như sau:

- Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

- Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.

- Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

- Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.

Như vậy, đối với số tiền 500 triệu đồng là tài sản riêng của An có được trước khi kết hôn, An có thể nhập hoặc không nhập vào không nhập vào tài sản chung là do An tự quyết định.

9. Tình huống 9: Vợ chồng anh S đã kết hôn được 8 năm, có 02 con chung. Vừa qua, anh H phát hiện vợ ngoại tình nên nộp đơn xin ly hôn. Trong thời gian chờ tòa án giải quyết cho ly hôn, anh S chơi xổ số và trúng thưởng 500 triệu đồng. Anh S cho rằng số tiền trúng thưởng này không được tính vào tài sản chung của vợ chồng anh chị khi ly hôn. Chị S không đồng ý, tranh chấp phát sinh giữa hai vợ chồng.
Hỏi: Theo quy định của pháp luật thì số tiền trúng thưởng này có thuộc tài sản chung của hai vợ chồng anh S?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 13 và khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì, “thời kỳ hôn nhân” là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân và “ly hôn” là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Do Tòa án mới thụ lý đơn yêu cầu xin ly hôn của anh S và đang trong giai đoạn xem xét, giải quyết mà chưa có quyết định cho ly hôn nên quan hệ hôn nhân giữa anh chị vẫn tồn tại.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Điều 9 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình quy định thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân bao gồm: Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng; thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật…
Căn cứ váo các quy định nêu trên thì số tiền anh S trúng thưởng xổ số được tính là tài sản chung của vợ chồng.
10. Tình huống 10. Người yêu của Huế làm nghề kinh doanh và tính ưa mạo hiểm.  Đã có lần anh ấy phải bán hết tài sản đi để trả nợ vì làm ăn thua lỗ. Sắp tới, Huế sẽ kết hôn, tuy nhiên, Huế vẫn luôn bị ám ảnh bởi câu chuyện phá sản của anh ấy nên trước khi kết hôn, do vậy Huế muốn có bản thỏa thuận rõ ràng về chế độ tài sản giữa hai người. 

Hỏi: Huế có có quyền thỏa thuận về chế độ tài sản giữa hai người không? Pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 47 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Huế được quyền lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận khi kết hôn. Trong trường hợp này, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Khoản 1 Điều 48 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:

a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;

d) Nội dung khác có liên quan.

Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định về nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng (Điều 29), quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình (Điều 30); giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng (Điều 31); giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng (Điều 32) của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.
11. Tình huống 11:

Cháu M (14 tuổi) được bà nội thừa kế cho chiếc xe máy SH. Anh H, bố của cháu M thống nhất với cháu là bán chiếc xe máy đi để lấy tiền phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt chung của gia đình. Chị K (mẹ cháu M) biết việc không đồng cho cháu M bán xe mà muốn để lại để sau này cho M có phương tiện đi lại. Anh H cho rằng xe là do mẹ đẻ anh để thừa kế lại cho cháu M nên việc cháu M bán xe chỉ cần có sự thỏa thuận nhất trí của anh là được; chị K lại cho rằng, vì M mới 14 tuổi nên việc bán xe phải được sự đồng ý của cả bố và mẹ.

Hỏi: Việc cháu M bán xe có cần sự đồng ý của cả bố và mẹ không? Tại sao?

Trả lời:

Việc cháu M bán xe phải có sự đồng ý của cả bố và mẹ, vì:

Điều 73 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về đại diện cho con như sau:

"1. Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.

2. Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ.

4. Cha, mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản của con được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và theo quy định của Bộ luật dân sự".

Theo quy định trên, M 14 tuổi, là người chưa thành niên nên việc bán chiếc xe máy (tài sản là động sản có đăng ký quyền sở hữu) phải có sự thỏa thuận của cả cha và mẹ.

12. Tình huống 12:

Vợ chồng anh K, chị H kết hôn năm 2020. Năm 2021 anh chị sinh con đầu lòng là cháu P. Cuộc sống vợ chồng thời gian đầu hạnh phúc nhưng sau phát sinh mâu thuẫn, anh K có mối quan hệ bất chính bên ngoài, thường xuyên đánh đập vợ con. Không chịu được, chị H đã đề nghị ly hôn (khi đó cháu P được 12 tháng tuổi), anh K không đồng ý, nói rằng nếu ly hôn thì chị H sẽ không được nuôi con.

Hỏi: Việc giao con cho cha mẹ nuôi dưỡng sau ly hôn được quy định như thế nào? Nếu ly hôn chị H có được nuôi con không?

Trả lời:

 Việc giao con cho cha mẹ nuôi dưỡng sau ly hôn được quy định cụ thể tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

"1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con".

Theo quy định trên, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định; con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Trong tình huống này, nếu ly hôn, anh K chị H có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định, về nguyên tắc cháu P mới 12 tháng tuổi được giao cho chị H trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp chị H không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu P.

13. Tình huống 13:

Do chị L (vợ anh K) có mối quan hệ bất chính bên ngoài nên anh K đã đề nghị Tòa án giải quyết ly hôn. Sau ly hôn, cháu Q được giao cho bố trực tiếp nuôi dưỡng, chị L kết hôn với anh P và về sống tại nhà anh P. Do nhớ con và có nhu cầu được chăm sóc cho con, chị L nhiều lần đến nhà anh K để thăm con nhưng anh K không cho chị gặp con và nghiêm cấm không cho cháu Q được gặp mẹ, anh cho rằng mẹ là người phá vỡ hạnh phúc gia đình, không xứng đáng làm mẹ của cháu Q.

Hỏi: Việc anh K nghiêm cấm không cho chị L được gặp và chăm sóc con là đúng hay sai? Tại sao?

Trả lời:

Việc anh K nghiêm cấm không cho chị L được gặp và chăm sóc con là sai, vì:

Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

"1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó".

Theo quy định trên, chị L có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà anh K không được cản trở; việc anh K cản trở chị L thực hiện quyền, nghĩa vụ thăm nom con là trái với quy định của pháp luật.

14. Tình huống 14:

Thấy chị L đem lòng yêu mình, anh K mặc dù đã có vợ nhưng vẫn đáp lại tình cảm của chị L. Sau một thời gian bí mật yêu đương, chị L đã mang thai và sinh cháu P. Khi sinh cháu P, chị L yêu cầu anh K làm thủ tục nhận cháu P là con đẻ để đảm bảo quyền lợi của cháu. Anh K không đồng ý, nói rằng anh đã có vợ, vợ anh không đồng ý nên anh không thể nhận cháu P là con.

Hỏi: Nếu anh K không đồng ý, chị L có thể đề nghị cơ quan nào giải quyết yêu cầu xác định anh K là cha đẻ của cháu P? Trường hợp vợ anh K không đồng ý, anh K có quyền yêu cầu xác định cháu P là con đẻ của mình được không?

Trả lời:

1. Về thẩm quyền giải quyết yêu cầu các nhận cha cho con

Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năn 2014 quy định về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con như sau:

“1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.

2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.

Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

Trong trường hợp này, do anh K không đồng ý nhận cháu P là con đẻ, được xác định là trường hợp có tranh chấp, do đó chị L có quyền yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xác định cha cho con.

2. Trường hợp vợ anh K không đồng ý, anh vẫn K có quyền yêu cầu xác định cháu P là con đẻ của mình, vì:

Khoản 2 Điều 91 Luật Hôn nhân và gia đình năn 2014 quy định về quyền nhận con như sau: “Trong trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia”.

Theo quy định trên, anh K có quyền nhận cháu P là con mà không cần phải có sự đồng ý của vợ mình.

15. Tình huống 15:

Chị X có con là Y đã lớn và đã đi lấy chồng. Năm 43 tuổi, chị X lại sinh thêm con là cháu N. Thật không may khi N được 5 tuổi thì cả hai vợ chồng chị X bị tai nạn giao thông và qua đời. Y đón em về nuôi. Tuy nhiên, hoàn cảnh kinh tế của vợ chồng Y cũng khó khăn, chồng Y cho rằng đúng ra trách nhiệm nuôi N là thuộc về ông bà nội hoặc ông bà ngoại nên có ý muốn gửi N sang cho ông bà nội nuôi. Y không đồng ý.

Hỏi: Trong trường hợp này ai có trách nhiệm nuôi cháu N?

Trả lời:

Điều 105 Luật Hôn nhân và gia đình năn 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của anh, chị, em như sau: “Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con”.

Điều 104 Luật Hôn nhân và gia đình năn 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu như sau:

“1. Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.

2. Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng”.

Theo các quy định trên thì anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; còn ông bà nội, ông bà ngoại có trách nhiệm nuôi dưỡng cháu nếu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có anh, chị em nuôi dưỡng.

Như vậy, nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu của ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại chỉ đặt ra khi cháu không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con và không có anh, chị, em nuôi dưỡng.

Trong trường hợp này, việc Y chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục em là hoàn toàn đúng với bổn phận làm chị theo đạo lý và theo quy định của pháp luật.
16. Tình huống 16:

Sau khi đăng ký kết hôn, được gia đình anh T đón về làm dâu, chị H về chung một nhà với anh T và sống chung với gia đình nhà chồng. Mặc dù bố, mẹ đẻ ở rất gần nhà chồng nhưng anh T không cho chị H về nhà bố mẹ đẻ, mỗi lần chị H về thăm bố mẹ đẻ là anh T lại nhiếc móc, thậm chí còn chửi bới chị, cho rằng chị lấy chồng mà không lo lắng cho nhà chồng, chỉ lo vun vén cho gia đình nhà ngoại, chị có phản ứng nói rằng việc chị về thăm bố mẹ đẻ là quyền của chị và cũng là trách nhiệm của người con, mà nhẽ ra anh cũng phải cùng chị để thực hiện trách nhiệm đó, việc anh cấm chị có mối quan hệ với nhà ngoại là hành vi bạo lực gia đình.

Hỏi: Việc làm của anh T có phải là hành vi bạo lực gia đình không? Tại sao?

Trả lời:

Việc làm của anh T là hành vi bạo lực gia đình, vì:

Điểm e Khoản 3 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định hành vi bạo lực gia đình “Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý”.

Theo quy định trên hành của anh T ngăn cản chị H gặp gỡ, chăm sóc bố, mẹ đẻ là hành vi bạo lực gia đình.

17. Tình huống 17:

Chị Q là công nhân công ty may, do có hình thể tương đối mập nên chị là tâm điểm để các anh cùng công ty trêu đùa, thậm trí còn có hành vi kỳ thị, cứ mỗi lần tan ca, trên đường lấy xe để ra về chị đều nhận được những lời trêu trọc, kỳ thị  của đồng nghiệp về hình thể của mình.

Hỏi: Hành vi của đồng nghiệp chị Q trêu trọc chị về hình thể của chị có phải là hành vi bạo lực gia đình không, tại sao?

Trả lời:

Hành vi của đồng nghiệp chị Q trêu trọc chị về hình thể của chị không phải là hành vi bạo lực gia đình, vì:

Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 giải thích khái niệm bạo lực gia đình như sau:“Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”.

Theo quy định trên, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Trong trường hợp này đồng nghiệp của chị Q không phải là thành viên gia đình của chị Q, do đó hành vi trêu trọc, kỳ thị của đồng nghiệp chị Q không phải là hành vi bạo lực gia đình.

18. Tình huống 18:

Kết hôn được 10 năm, chị P và anh Q có 2 con gái xinh xắn, chăm ngoan, học giỏi. Cuộc sống của vợ chồng êm ấm, hạnh phúc, anh Q lúc nào cũng quan tâm chăm sóc vợ con. Tuy nhiên, do anh Q là con một nên mẹ đẻ anh Q thường xuyên nhắc nhở hai vợ chồng phải đẻ cho bằng được con trai để nối dõi tông đường. Vợ chồng anh Q không nhất trí, nói rằng con nào cũng là con, miễn sao mình nuôi dưỡng chăm sóc con thành người có ích cho xã hội. Thấy thái độ cương quyết của vợ chồng con trai, mẹ đẻ anh Q tuyên bố nếu vợ chồng anh Q không sinh con trai thì bà sẽ từ, không coi anh Q là con nữa và có nhiều hành động nữa gây áp lực cho vợ chồng anh Q.

Hỏi: Hành vi của mẹ đẻ anh Q cưỡng ép vợ chồng anh Q phải sinh được con trai có phải là hành vi bạo lực gia đình không?

Trả lời:

Hành vi của mẹ đẻ anh Q cưỡng ép vợ chồng anh Q phải sinh được con trai là hành vi bạo lực gia đình, vì:

Điểm đ và điểm m Khoản 3 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định hành vi bạo lực gia đình “Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình”, “Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi”.

Theo quy định trên, hành vi của mẹ đẻ anh Q phân biệt đối xử về giới tính; cưỡng ép vợ anh Q mang thai để sinh con trai là hành vi bạo lực gia đình.

19. Tình huống 19:

Chị K kết hôn với anh H được 5 năm nhưng cuộc sống gia đình không êm ấm, hạnh phúc. Anh H thường xuyên có hành vi bạo lực, như đánh đập, chửi bới chị K. Rất buồn với hành vi của chồng, chị K muốn biết người bị bạo lực gia đình có những quyền gì để chị thực hiện quyền của mình.

Trả lời:

Khoản 1 Điều 9 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định người bị bạo lực gia đình có các quyền sau:

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến hành vi bạo lực gia đình.

- Yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022.

- Được bố trí nơi tạm lánh, giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022  và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình, trợ giúp pháp lý và trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật.

- Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình khắc phục hậu quả, bồi thường tổn hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và thiệt hại về tài sản.

- Được thông tin về quyền và nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình, xử lý hành vi bạo lực gia đình-

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.

20. Tình huống 20:

Vợ chồng anh Quảng và chị Lan thường xảy ra mâu thuẫn, mỗi lần bực tức anh Quảng thường có hành động vũ phu, đánh đập chị Lan, nhiều lần anh Quảng đuổi đánh chị phải chạy sang nhà hàng xóm để nhờ can thiệp. Nhà chị Phương ở đối diện nhà anh Quảng có lắp camera, xem lại camera thấy rõ các hành vi đánh đập vợ của anh Quảng. Thấy anh Quảng thường xuyên đánh đập vợ như vậy, chị Phương đã trích xuất camera và gửi hình ảnh đó đến Công an xã nơi cư trú để đề nghị giải quyết vụ việc bạo lực gia đình.

Hỏi: Việc chị Phương tự động cung cấp hành ảnh anh Quảng đánh chị Lan cho Công an xã nơi cư trú để đề nghị giải quyết vụ việc bạo lực gia đình có đúng quy định của pháp luật không? Tại sao?

Trả lời

Việc chị Phương tự động cung cấp hành ảnh anh Quảng đánh chị Lan cho Công an xã nơi cư trú để đề nghị giải quyết vụ việc bạo lực gia đình là đúng quy định của pháp luật, vì:

Khoản 1 Điều 21 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định như sau “Người có âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình có quyền cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết vụ việc bạo lực gia đình”. Theo quy định trên, chị Phương có quyền cung cấp hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết vụ việc bạo lực gia đình./.

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH TUYÊN QUANG

Địa chỉ: Số 501 đường 17/8, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang, Điện thoại: (027) 3.822.831 - FAX: (027) 3.922.187 - Email: banbientapstptq@gmail.com

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 41/GP-TTĐT do Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 12/5/2015

Trưởng Ban biên tập: Bà Nguyễn Thị Thược - Giám đốc Sở.

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp Tuyên Quang (tuphaptuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang