TÌNH HUỐNG 01: Đối tượng được hỗ trợ tạo mặt bằng để làm nhà ở do sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất
Gia đình ông Thoan thuộc hộ nghèo, cư trú tại thôn T xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình, nhà ông ở ngay gần bờ suối, sau nhiều trận mưa ống, lũ quét con suối đó đã bị lở nhiều. Thấy gia đình mình sinh sống ở ngay gần con suối có nguy cơ sụt lún cao, ông Thoan đã bàn với gia đình chuyển đến sinh sống ở nơi ở mới theo hình thức xen ghép để đảm bảo an toàn. Ông Thoan đã đến nhà ông Sính – Trưởng thôn đề nghị báo cáo với UBND xã xem có chính sách gì của Nhà nước hỗ trợ cho gia đình ông tạo mặt bằng để làm nhà ở và hỗ trợ làm nhà tại nơi ở mới không, nếu có thì mức hỗ trợ như thế nào. Ông Sính nói rằng, theo như ông được biết thì Nhà nước chỉ hỗ trợ tạo mặt bằng để làm nhà ở và hỗ trợ làm nhà tại nơi ở mới cho hộ gia đình bị mất nhà ở, đất ở do sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ ống, lũ quét, còn các hộ chỉ nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ ống, lũ quét, ngập lụt thì không có chính sách hỗ trợ.
Hỏi: Hộ ông Thoan sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ ống, lũ quét, ngập lụt thì có được hỗ trợ tạo mặt bằng để làm nhà ở và hỗ trợ làm nhà tại nơi ở mới không? Nếu có thì mức hỗ trợ và phương thức hỗ trợ như thế nào?
Trả lời:
Điểm 2.1 Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang Quy định chính sách hỗ trợ thực hiện bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2023-2030 quy định về đối tượng được bố trí dân cư gồm: “2.1. Hộ gia đình bị mất nhà ở, đất ở do sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ ống, lũ quét; hộ gia đình sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ ống, lũ quét, ngập lụt”. Theo đó, hộ gia đình sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ ống, lũ quét, ngập lụt thuộc đối tượng được hỗ trợ, do đó, gia đình ông Thoan sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ ống, lũ quét, ngập lụt thuộc đối tượng được hỗ trợ tạo mặt bằng để làm nhà ở và hỗ trợ làm nhà tại nơi ở mới.
Về mức hỗ trợ, điểm 1.1 Khoản 1 và điểm 1.1 Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND quy đinh:“Hỗ trợ tạo mặt bằng để người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép. Mức hỗ trợ 44,0 triệu đồng/hộ gia đình”; “Hỗ trợ làm nhà tại nơi ở mới cho hộ gia đình di chuyển theo hình thức xen ghép. Mức hỗ trợ: Đối với hộ nghèo 50,0 triệu đồng/hộ gia đình; hộ không thuộc diện hộ nghèo 25,0 triệu đồng/hộ gia đình”. Theo đó, gia đình ông Thoan là hộ nghèo được hỗ trợ tạo mặt bằng để ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép là 44,0 triệu đồng và hỗ trợ làm nhà tại nơi ở mới là 50,0 triệu đồng.
Về Phương thức hỗ trợ: Ủy ban nhân dân huyện tạm ứng 50% kinh phí hỗ trợ cho hộ gia đình khi tổ chức thực hiện việc tạo mặt bằng, làm nhà ở mới; 50% kinh phí còn lại sẽ hỗ trợ sau khi hoàn thành tạo mặt bằng, làm nhà tại nơi ở mới và được nghiệm thu theo quy định.
TÌNH HUỐNG 02: Hỗ trợ làm nhà ở mới cho hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tỉnh Tuyên Quang
Gia đình bà Mỷ thuộc hộ nghèo, cư trú tại thôn P, xã Côn Lôn, huyện Na Hang. Nhà bà Mỷ được làm từ rất lâu rồi, giờ đã hư hỏng, dột nát, nhiều hôm trời mưa to trong nhà ướt hết, bên cạnh đó, do gia đình có thêm thành viên nên cũng chỗ ở cũng ngày càng chật hẹp nữa. Nay gia đình bà Mỷ dự định làm nhà mới để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Bà băn khoăn không biết Nhà nước có chính sách gì hỗ trợ cho hộ nghèo làm nhà mới không.
Hỏi: Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo làm nhà mới không, nếu có thì phải đáp ứng điều kiện nào để được hỗ trợ và mức hỗ trợ như thế nào?
Trả lời:
1. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo làm nhà mới, cụ thể:
Điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 25/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của HĐND tỉnh Tuyên Quang Quy định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 quy định “2. Mức chi: Ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương, mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương như sau.
a) Nhà xây mới: 10.000.000 đồng/ hộ gia đình”.
Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 quy định “3. Định mức hỗ trợ và giải ngân vốn hỗ trợ
a) Nhà xây mới 40 triệu đồng/hộ từ ngân sách trung ương”.
Theo các quy định trên, gia đình bà Mỷ sinh sống tại huyện Na Hang (là huyện nghèo) sẽ được hỗ trợ kinh phí làm nhà mới từ ngân sách trung ương là 40.000.000 đồng và hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là 10.000.000 đồng, tổng kinh phí hỗ trợ là 50.000.000.
2. Điều kiện để được hỗ trợ
Để được hỗ trợ, gia đình bà Mỷ phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 3 Thông tư số 01/2022/TT-BXD, cụ thể:
- Là hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở thuộc loại không bền chắc (trong ba kết cấu chính là nền - móng, khung - tường, mái thì có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc).
- Diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ nghèo, hộ cận nghèo nhỏ hơn 8m2.
- Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức xã hội khác.
TÌNH HUỐNG 03: Hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tỉnh Tuyên Quang
Gia đình anh Páo thuộc hộ nghèo, cư trú tại thôn Q, xã Năng Khả, huyện Na Hang. Nhà của gia đình anh Páo được làm từ khi anh lấy vợ, tách hộ ra ở riêng đến nay đã được 15 năm. Do được làm từ lâu, chất lượng kém nên hiện nay nhà có nhiều chỗ đã bị hư hỏng (mái bị dột, nền nhà đã bong tróc, tường nhà bị vỡ). Nay gia đình anh Páo muốn sửa chữa nhà để đảm bảo cho sinh hoạt của gia đình. Anh Páo bàn với vợ, kinh phí sửa chữa nhà hết khoảng 50 triệu, gia đình đã có một chút rồi, vay thêm của gia đình, bè bạn nữa sẽ đủ tiền để sửa. Nghe anh Páo nói vậy, chị Mỷ bảo rằng, có nghe nói rằng Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo sửa nhà và bảo anh Páo đến UBND xã hỏi xem có chính sách hỗ trợ của Nhà nước không.
Hỏi: Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo sửa chữa nhà không, nếu có thì mức hỗ trợ như thế nào?
Trả lời:
Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo sửa chữa nhà, cụ thể:
Điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 25/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của HĐND tỉnh Tuyên Quang Quy định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 quy định “2. Mức chi: Ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương, mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương như sau.
b) Nhà sửa chữa: 5.000.000 đồng/ hộ gia đình”.
Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 quy định “3. Định mức hỗ trợ và giải ngân vốn hỗ trợ
a) Sửa chữa nhà 20 triệu đồng/hộ từ ngân sách trung ương”.
Theo các quy định trên, gia đình anh Páo sinh sống tại huyện Na Hang (là huyện nghèo) sẽ được hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà từ ngân sách trung ương là 20.000.000 đồng và hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là 5.000.000 đồng, tổng kinh phí hỗ trợ là 25.000.000.
TÌNH HUỐNG 04: Hỗ trợ thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại
Gia đình ông Hoàng có 5,0 ha đất trồng cây ăn trái tại xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên. Việc canh tác bằng thủ công rất vất vả mà năng xuất lại không cao nên ông tính đến chuyện mua sắm máy móc, thiết bị, công nghệ cao sử dụng trong nông nghiệp để giải phóng sức lao động của con người và tăng năng xuất, chất lượng cây trồng. Trong một cuộc họp của Hội Nông dân xã ông có đưa vấn đề này ra để thảo luận và được Chủ tịch Hội Nông dân xã thông tin rằng tỉnh Tuyên Quang có chính sách hỗ trợ thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.
Hỏi: Thông tin của Chủ tịch Hội Nông dân xã về việc tỉnh Tuyên Quang có chính sách hỗ trợ thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 có đúng không? Nếu có thì mức hỗ trợ như thế nào?
Trả lời:
Thông tin của Chủ tịch Hội Nông dân xã về việc tỉnh Tuyên Quang có chính sách hỗ trợ thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 là đúng, cụ thể:
Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ chi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 quy định:
“3. Chi hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại
Hỗ trợ một lần chi phí mua sắm máy móc, thiết bị, công nghệ sử dụng trong nông nghiệp theo danh mục của cấp có thẩm quyền: Mức hỗ trợ 50% kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tối đa 200 triệu đồng/máy móc, 200 triệu đồng/thiết bị, 200 triệu đồng/công nghệ của 01 dự án; tối đa 500 triệu đồng/01 dự án”.
Theo đó, Nhà nước hỗ trợ một lần chi phí mua sắm máy móc, thiết bị, công nghệ sử dụng trong nông nghiệp, mức hỗ trợ 50% kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tối đa 200 triệu đồng/máy móc, 200 triệu đồng/thiết bị, 200 triệu đồng/công nghệ của 01 dự án; tối đa 500 triệu đồng/01 dự án . Điều kiện để được hỗ trợ là dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; máy móc, thiết bị, công nghệ sử dụng trong nông nghiệp phải theo danh mục của cấp có thẩm quyền.
TÌNH HUỐNG 05: Hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt ở thôn, bản
Thôn P thuộc xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa – là xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024. Hiện tại nước thải sinh hoạt của các hộ dân cơ bản để chảy ra đường gây mất vệ sinh, để đạt được chỉ tiêu về môi trường, thôn đã tổ chức họp, thống nhất làm hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt. Trong cuộc họp thôn, có ý kiến đề nghị thôn cần xây dựng dự toán kinh phí thực hiện, hết bao nhiêu thì chia đều để đóng góp theo nhân khẩu; có ý kiến thì cho rằng tỉnh Tuyên Quang có chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt ở thôn, bản. Các ý kiến không thống nhất nên đề nghị đồng chí Trưởng thôn báo cáo với UBND xã xem có chính sách của tỉnh hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt ở thôn, bản không.
Hỏi: Tỉnh Tuyên Quang có chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt ở thôn, bản không? Nếu có thì mức hỗ trợ như thế nào?
Trả lời:
Tỉnh Tuyên Quang có chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt ở thôn, bản, cụ thể:
Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ chi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 quy định:
“Hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt ở thôn, bản: Hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tối đa 500 triệu đồng/ mô hình”.
Theo đó, Nhà nước hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt ở thôn, bản; mức hỗ trợ là 70% kinh phí thực hiện mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tối đa 500 triệu đồng/mô hình.
TÌNH HUỐNG 06: Hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn
Thôn H thuộc xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên – là xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024. Để đạt tiêu chí nông thôn mới, thôn H đã họp bàn và thống nhất xây dựng mô hình thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, trong đó sẽ nâng cấp hệ thống chiếu sáng dọc tuyến đường chính của thôn, mua thùng chứa rác thải rắn sinh hoạt để ở mỗi gia đình và trồng hoa hai bên đường của các ngõ trong thôn với tổng kinh phí thực hiện được phê duyệt là 100 triệu đồng. Trưởng thôn H đã đến UBND xã đề nghị hỗ trợ cho thôn kinh phí 100 triệu đồng để thực hiện mô hình.
Hỏi: Đề nghị của Trưởng thôn H hỗ trợ cho thôn kinh phí 100 triệu đồng để thực hiện mô hình có đúng định mức hỗ trợ không? Tại sao?
Trả lời:
Đề nghị của Trưởng thôn H hỗ trợ cho thôn kinh phí 100 triệu đồng để thực hiện mô hình là không đúng định mức hỗ trợ, vì:
Khoản 7 Điều 3 Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ chi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 quy định:
“7. Chi hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn
a) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ xây dựng, nâng cấp hệ thống chiếu sáng dọc tuyến đường; hỗ trợ mua sắm thùng chứa rác thải rắn sinh hoạt; hỗ trợ trồng hoa và các loại cây cảnh quan phù hợp với đặc điểm của từng khu vực.
b) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 01 lần/01 thôn, mức hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tối đa 100 triệu đồng/mô hình”.
Theo quy định trên, Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn với định mức hỗ trợ bằng 50% kinh phí thực hiện mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mô hình của thôn H được phê duyệt kinh phí thực hiện là 100 triệu đồng, do đó sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho thôn thực hiện mô hình là 50 triệu đồng.
TÌNH HUỐNG 07: Đối tượng được hỗ trợ đất ở
Hộ anh Hoàng là hộ nghèo, dân tộc Kinh, sinh sống tại thôn Nhùng Dàm, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn (thôn Nhùng Dàm không thuộc thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), do không có đất ở anh đã đến UBND xã đề nghị được hỗ trợ đất ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp nhận đề nghị của anh, công chức xã đã trả lời là hộ gia đình anh Hoàng không thuộc trường hợp được hỗ trợ đất ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi.
Hỏi: Trả lời của công chức xã là đúng hay sai? Tại sao?
Trả lời:
Trả lời của công chức xã là đúng, vì:
Điểm b mục 1 phần III Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 quy định đối tượng được giải quyết tình trạng thiếu đất ở gồm: “Hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa có đất ở”.
Hộ anh Hoàng là hộ nghèo, dân tộc Kinh, mặc dù chưa có đất ở nhưng sinh sống tại thôn không thuộc thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nên không thuộc trường hợp được hỗ trợ đất ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, do đó, trả lời của công chức xã là chính xác.
TÌNH HUỐNG 08: Đối tượng được hỗ trợ nhà ở
Hộ chị Thoa là hộ nghèo, dân tộc Kinh, sinh sống tại thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn (thôn Cây Nhãn thuộc thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Nhà ở của chị Thoa đã được xây dựng từ lâu, giờ đã bị dột nát, hư hỏng, chị đã đến UBND xã đề nghị được hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp nhận đề nghị của chị, công chức xã đã trả lời là hộ gia đình chị Thoa không thuộc trường hợp được hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi.
Hỏi: Trả lời của công chức xã là đúng hay sai? Tại sao?
Trả lời:
Trả lời của công chức xã là sai, vì:
Điểm b mục 1 phần III Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 quy định đối tượng được giải quyết tình trạng thiếu đất ở gồm: “Hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa có đất ở; chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng”.
Hộ chị Thoa là hộ nghèo, dân tộc Kinh, sinh sống tại thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhà ở đã bị dột nát, hư hỏng nên thuộc trường hợp được hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, do đó, trả lời của công chức xã là sai.
TÌNH HUỐNG 09: Đối tượng được hỗ trợ đất sản xuất
Hộ chị Mây là hộ nghèo, dân tộc thiểu số, sinh sống tại thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái, huyện Na Hang (thôn Khuổi Phầy thuộc thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Hộ chị Mây có đất sản xuất nhưng rất ít, còn thiếu 70% đất sản xuất theo định mức do tỉnh Tuyên Quang quy định. Chị Mây đã đề nghị hỗ trợ đất sản xuất theo Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi.
Hỏi: Hộ chị Mây có thuộc đối tượng được hỗ trợ đất sản xuất không? Nếu có thì được hỗ trợ như thế nào?
Trả lời:
1. Hộ chị Mây có thuộc đối tượng được hỗ trợ đất sản xuất, vì:
Điểm b mục 1 phần III Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 quy định đối tượng được giải quyết tình trạng thiếu đất ở gồm: “Hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa có đất ở; chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng; làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp nhưng không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định của địa phương; có khó khăn về nước sinh hoạt”.
Hộ chị Mây là hộ nghèo, dân tộc Kinh, sinh sống tại thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định của tỉnh quy định nên thuộc trường hợp được hỗ trợ đất sản xuất theo Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi.
2. Về nội dung hỗ trợ, theo quy định tại điểm b mục 1 phần III Quyết định số 1719/QĐ-TTg, hộ chị Mây được hưởng một trong hai chính sách sau: (1) Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất: nếu có nhu cầu thì được chính quyền địa phương trực tiếp giao đất sản xuất; (2) Hỗ trợ chuyển đổi nghề: Trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề.
TÌNH HUỐNG 10: Hỗ trợ đất ở đồng thời với hỗ trợ nhà ở
Hộ anh Lập là hộ nghèo, dân tộc thiểu số, sinh sống tại thôn Nà Lụng, xã Yên Lập, huyện Hàm Yên (thôn Nà Lụng là thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Hộ anh Lập hiện chưa có đất ở, nhà ở nên anh đã đến đề nghị được hỗ trợ đất ở, nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp nhận đề nghị của anh, công chức xã đã trả lời là hộ gia đình anh Lập thuộc trường hợp được hỗ trợ đất ở, nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, tuy nhiên, hộ anh chỉ được hỗ trợ nhà ở hoặc đất ở, không được hỗ trợ đồng thời cả nhà ở và đất ở.
Hỏi: Trả lời của công chức xã là đúng hay sai? Tại sao?
Trả lời:
Trả lời của công chức xã là sai, vì:
Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Uỷ ban Dân tộc Hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 02/2023/TT-UBDT ngày 21/8/2023 của Uỷ ban Dân tộc) quy định về đối tượng được hỗ trợ nhà ở như sau: “2. Hộ được hỗ trợ đất ở thì được đồng thời xem xét hỗ trợ nhà ở”.
Theo quy định trên, hộ được hỗ trợ đất ở thì được đồng thời xem xét hỗ trợ nhà ở, theo đó, hộ anh Lập được hỗ trợ đồng thời cả đất ở và nhà ở.
TÌNH HUỐNG 11: Nội dung và cách thức thực hiện hỗ trợ nhà ở
Hộ bà Thủy là hộ nghèo, dân tộc Kinh, sinh sống tại thôn Bản Đâng, xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa (thôn Bản Đâng là thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Hộ bà Thủy không có nhà ở, thuộc diện được hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi và đang được cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục hỗ trợ nhà ở. Bà Thủy đề nghị UBND xã, nếu được hỗ trợ thì để gia đình bà tự thực hiện xây dựng nhà.
Hỏi: Bà Thủy có được tự thực hiện xây dựng nhà không và nội dung hỗ trợ như thế nào?
Trả lời:
1. Bà Thủy được tự thực hiện xây dựng nhà, vì:
Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Uỷ ban Dân tộc Hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 02/2023/TT-UBDT ngày 21/8/2023 của Uỷ ban Dân tộc) quy định như sau: “Tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, căn cứ nguyện vọng của các đối tượng thụ hưởng, UBND cấp xã hướng dẫn các hộ gia đình tự tổ chức xây dựng mới nhà ở bằng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, vốn vay tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội và nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có); hướng dẫn các hộ gia đình tự tổ chức sửa chữa, cải tạo nhà ở từ nguồn vay vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội và nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có). Trường hợp người dân không thể tự xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở, UBND cấp xã chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức đoàn thể xã hội hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở đảm bảo yêu cầu về chất lượng nhà ở theo quy định”.
Theo quy định trên, UBND xã hướng dẫn các hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở, trường hợp người dân không thể tự xây dựng nhà ở thì UBND xã chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức đoàn thể xã hội hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở đảm bảo yêu cầu về chất lượng nhà ở theo quy định. Theo đó, bà Thủy được tự thực hiện xây dựng nhà.
2. Về nội dung hỗ trợ, hộ bà Thủy được hỗ trợ đầu tư xây dựng 01 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.
TÌNH HUỐNG 12: Hình thức hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán
Hộ ông Và là hộ nghèo, dân tộc thiểu số, sinh sống tại thôn Bản Tát, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa (thôn Bản Tát là thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Hộ ông Và thuộc diện được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán theo Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi với định mức hỗ trợ là 3.000.000 đồng/hộ. Ông Và đề nghị được hỗ trợ bằng hình thức mua téc trữ nước (vì nhà ông đã có nguồn nước sinh hoạt ổn định rồi). Tuy nhiên, khi tổng hợp nhu cầu của nhà ông Và thì Trưởng thôn nói rằng Nhà nước không hỗ trợ để mua téc nước mà chỉ hỗ trợ để đào giếng thôi.
Hỏi: Ý kiến của Trưởng thôn là đúng hay sai, tại sao?
Trả lời:
Ý kiến của Trưởng thôn là sai, vì:
Điểm a Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Uỷ ban Dân tộc Hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 02/2023/TT-UBDT ngày 21/8/2023 của Uỷ ban Dân tộc) quy định về hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán như sau: “Cách thức hỗ trợ nước sinh hoạt được sử dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng thôn, xã và điều kiện sinh hoạt của hộ gia đình như: đào giếng, mua vật dụng dẫn nước, trữ nước (lu, bồn, téc, vật dụng chứa nước; tự làm bể chứa nước) hoặc tự tạo nguồn nước khác đảm bảo nguyên tắc các hộ được hỗ trợ kinh phí phải có nước sinh hoạt ổn định và được bố trí ở khu vực thuận tiện cho sinh hoạt gia đình”.
Theo quy định trên thì có nhiều hình thức hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, như: đào giếng; mua vật dụng dẫn nước, trữ nước; tự tạo nguồn nước khác. Theo đó, ý kiến của Trưởng thôn là sai, hộ ông Và có quyền đề nghị hỗ trợ bằng hình thức mua téc trữ nước.
TÌNH HUỐNG 13: Đối tượng được hỗ trợ thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp
Chị Thềm là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại thôn Phiêng Tạ, xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa (thôn Phiêng Tạ là thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Chị Thềm có đơn đề nghị UBND xã thực hiện việc hỗ trợ khởi sự kinh doanh với mô hình kinh doanh giống cây nông nghiệp trên địa bàn xã từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi. Công chức xã tiếp nhận đề nghị của chị Thềm nói rằng chị không thuộc đối tượng hỗ trợ vì chị không thuộc hộ nghèo.
Hỏi: Công chức xã trả lời như vậy là đúng hay sai, tại sao?
Trả lời:
Công chức xã trả lời như vậy là sai, vì:
Khoản 4 Điều 25 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Uỷ ban Dân tộc Hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 02/2023/TT-UBDT ngày 21/8/2023 của Uỷ ban Dân tộc) quy định đối tượng được hỗ trợ thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp gồm: “Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Theo quy định trên, đối tượng được hỗ trợ là cá nhân người dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chị Thềm là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do đó, chị Thềm thuộc đối tượng được hỗ trợ thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.
TÌNH HUỐNG 14: Hỗ trợ người lao động đào tạo ngoại ngữ để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Anh Bình là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang. Anh Bình có đăng ký tham gia khóa đào tạo ngoại ngữ để đáp ứng đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và thuộc diện được hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi.
Hỏi: Anh Bình được hỗ trợ đào tạo với định mức như thế nào?
Trả lời:
Điểm a Khoản 1 Điều 25 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 quy định như sau: