15 tình huống pháp luật về tố cáo

27/05/2024 - 21:41
70

TÌNH HUỐNG 01: Hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo.

Ông Thành gửi đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của công chức xã Q.

Ông Thành muốn biết, pháp luật nghiêm cấm những hành vi nào trong tố cáo và giải quyết tố cáo?

Trả lời:

Điều 8 Luật Tố cáo năm 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định nghiêm cấm các hành vi sau trong tố cáo và giải quyết tố cáo

1. Cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo.

2. Thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc giải quyết tố cáo.

3. Tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo.

4. Làm mất, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu vụ việc tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.

5. Không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà cho người tố cáo, người bị tố cáo.

6. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.

7. Can thiệp trái pháp luật, cản trở việc giải quyết tố cáo.

8. Đe dọa, mua chuộc, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo.

9. Bao che người bị tố cáo.

10. Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo.

11. Mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo.

12. Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

13. Đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.

TÌNH HUỐNG 02: Người có quyền tố cáo

Ông Bình là tổ trưởng tổ dân phố, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ông có phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của công chức huyện P. Hành vi vi phạm pháp luật công chức huyện P không có liên quan đến ông Bình nên ông băn khoăn không biết mình có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của công chức huyện P không.

Hỏi: Ông Bình có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của công chức huyện P không?

Trả lời:

Ông Bình có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của công chức huyện P, vì:

Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định như sau:

“1. Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực”.

Theo quy định trên, cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, theo đó, ông Bình có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của công chức huyện P mặc dù hành vi vi phạm đó không có liên quan đến ông.

TÌNH HUỐNG 03: Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo

Bà Hoa có gửi đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của công chức Sở K.

Bà Hoa muốn biết, người tố cáo có các quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời:

Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định người tố cáo có các quyền và nghĩa vụ sau:

I. Người tố cáo có các quyền sau:

1. Thực hiện quyền tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo.

2. Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác.

3. Được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo.

4. Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết.

5. Rút tố cáo.

6. Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo.

7. Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

II. Người tố cáo có các nghĩa vụ sau:

1. Cung cấp thông tin cá nhân.

2. Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được.

3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo.

4. Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu.

5. Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

TÌNH HUỐNG 04: Thẩm quyền giải quyết tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

Anh Phương đến Ủy ban nhân dân xã H tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của công chức xã H. Công chức tiếp công dân của xã H đã từ chối tiếp nhận tố cáo của anh Phương và hướng dẫn anh Phương đến tố cáo tại Ủy ban nhân dân huyện K.

Hỏi: Công chức tiếp công dân của Ủy ban nhân dân xã H từ chối tiếp nhận tố cáo của anh Phương và hướng dẫn anh Phương đến tố cáo tại Ủy ban nhân dân huyện K là đúng hay sai, tại sao?

Trả lời:

Công chức tiếp công dân của Ủy ban nhân dân xã H từ chối tiếp nhận tố cáo của anh Phương và hướng dẫn anh Phương đến tố cáo tại Ủy ban nhân dân huyện K là sai, vì:

Khoản 1 Điều 13 Luật Tố cáo năm 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước như sau: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp”.

Theo quy định trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp. Trong trường hợp này, anh Phương tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của công chức xã H, do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H có trách nhiệm giải quyết tố cáo, công chức tiếp công dân của Ủy ban nhân dân xã H từ chối tiếp nhận tố cáo của anh Phương và hướng dẫn anh Phương đến tố cáo tại Ủy ban nhân dân huyện K là sai.

TÌNH HUỐNG 05: Thẩm quyền giải quyết tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

Chị Thoa đến Ủy ban nhân dân xã P tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã P. Công chức tiếp công dân của Ủy ban nhân dân xã P đã từ chối tiếp nhận tố cáo của chị Thoa và hướng dẫn chị Thoa đến tố cáo tại Ủy ban nhân dân huyện K (xã P thuộc huyện K).

Hỏi: Công chức tiếp công dân của Ủy ban nhân dân xã P đã từ chối tiếp nhận tố cáo của chị Thoa và hướng dẫn chị Thoa đến tố cáo tại Ủy ban nhân dân huyện K là đúng hay sai, tại sao?

Trả lời:

Công chức tiếp công dân của Ủy ban nhân dân xã P từ chối tiếp nhận tố cáo của chị Thoa và hướng dẫn chị Thoa đến tố cáo tại Ủy ban nhân dân huyện K là đúng, vì:

Điểm a Khoản 2 Điều 13 Luật Tố cáo năm 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước như sau:

“2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền sau đây:

a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp”.

Theo quy định trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong trường hợp này, chị Thoa tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã P, thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện K, do đó công chức tiếp công dân của Ủy ban nhân dân xã P từ chối tiếp nhận tố cáo của chị Thoa và hướng dẫn chị Thoa đến tố cáo tại Ủy ban nhân dân huyện K là đúng.

TÌNH HUỐNG 06: Thẩm quyền giải quyết tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Ông Bình đến Ủy ban nhân dân huyện P để tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện P. Công chức tiếp công dân của Ủy ban nhân dân huyện P đã từ chối tiếp nhận tố cáo của ông Bình và hướng dẫn ông Bình đến tố cáo tại Ủy ban nhân dân tỉnh L (huyện P thuộc tỉnh L).

Hỏi: Việc hướng dẫn của công chức tiếp công dân của Ủy ban nhân dân huyện P đúng hay sai, tại sao?

Trả lời:

Việc hướng dẫn của công chức tiếp công dân của Ủy ban nhân dân huyện P đúng, vì:

Điểm a Khoản 4 Điều 13 Luật Tố cáo năm 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước như sau:

“4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền sau đây:

a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp”.

Theo quy định trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong trường hợp này, ông Bình tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện P, thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh L, do đó công chức tiếp công dân của Ủy ban nhân dân huyện P từ chối tiếp nhận tố cáo của ông Bình và hướng dẫn ông Bình đến tố cáo tại Ủy ban nhân dân tỉnh L là đúng.

TÌNH HUỐNG 07: Hình thức tố cáo

Ông Hòa đến Tòa án nhân dân huyện Q để trực tiếp tố cáo hành vi vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của công chức Tòa án nhân dân huyện Q. Công chức tiếp công dân của Tòa án nhân dân huyện Q từ chối tiếp nhận tố cáo của ông Hòa vì cho rằng ông Hòa trực tiếp tố cáo là không đúng hình thức và nói rằng chỉ tiếp nhận tố cáo bằng đơn.

Hỏi: Công chức tiếp công dân của Tòa án nhân dân huyện Q trả lời như vậy là đúng hay sai, tại sao?

Trả lời:

Công chức tiếp công dân của Tòa án nhân dân huyện Q trả lời như vậy là sai, vì:

Điều 22 Luật Tố cáo năm 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về hình thức tố cáo như sau: “Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Theo đó, việc tố cáo được thực hiện 02 hình thức, bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Trong trường hợp này, ông Hòa lựa chọn hình thức trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền là đúng quy định của pháp luật, do đó Công chức tiếp công dân của Tòa án nhân dân huyện Q từ chối tiếp nhận tố cáo của ông Hòa vì cho rằng ông Hòa trực tiếp tố cáo là không đúng hình thức và nói rằng chỉ tiếp nhận tố cáo bằng đơn là sai.

TÌNH HUỐNG 08: Ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo

Ông Thản đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh X, gặp trực tiếp công chức tiếp công dân để gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của công chức Viện kiểm sát nhân dân tỉnh X. Khi tiếp nhận đơn, công chức tiếp công dân thấy đơn còn thiếu một số nội dung, như: chưa ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo và chưa có chữ ký của người tố cáo là ông Thản nên đã đề nghị ông Thản bổ sung các thông tin còn thiếu và ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo. Ông Thản không nhất trí bổ sung thông tin và ký đơn vì cho rằng không bắt buộc phải có đủ các thông tin đó và không bắt buộc người tố cáo phải ký vào đơn tố cáo.

Hỏi: Quan điểm của ông Thản là đúng hay sai; ông Thản có phải bổ sung các thông tin và ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo không, tại sao?

Trả lời:

Quan điểm của ông Thản là sai, vì:

Điều 23 Luật Tố cáo năm 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về  tiếp nhận tố cáo như sau:

“1. Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.

Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo”.

Theo quy định trên, ông Thản phải bổ sung các thông tin còn thiếu (ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo) và ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.

TÌNH HUỐNG 09: Thời hạn giải quyết tố cáo

Bà Nguyệt có gửi đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của công chức Sở H.

Bà Nguyệt muốn biết, thời hạn giải quyết tố cáo được quy định như thế nào?

Trả lời:

Thời hạn giải quyết tố cáo được quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 30 Luật Tố cáo năm 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung), cụ thể:

- Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.

-  Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.

- Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

- Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

TÌNH HUỐNG 10: Rút tố cáo

Anh Thảo có gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của công chức xã H đến Ủy ban nhân dân xã H. Tố cáo của anh Thảo đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H thụ lý và giải quyết. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, anh Thảo thấy rằng việc tố cáo của mình là không đúng nên xin rút toàn bộ nội dung tố cáo.

Hỏi: Trong khi người có thẩm có thẩm quyền đang giải quyết tố cáo, anh Thảo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo không?

Trả lời:

Trong khi người có thẩm có thẩm quyền đang giải quyết tố cáo, anh Thảo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo, vì:

Khoản 1 Điều 33 Luật Tố cáo năm 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về rút tố cáo như sau: “Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản”.

Theo quy định trên, người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo, do đó, trong khi người có thẩm có thẩm quyền đang giải quyết tố cáo thì anh Thảo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo.

TÌNH HUỐNG 11: Tiếp tục giải quyết tố cáo khi người tố cáo rút tố cáo

Anh Thanh có gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của công chức Sở K. Tố cáo của anh Thanh đã được Giám đốc Sở K thụ lý và giải quyết. Trong quá trình giải quyết, anh Thanh đã xin rút toàn bộ nội dung tố cáo. Mặc dù anh Thanh xin rút toàn bộ nội dung tố cáo nhưng qua quá trình giải quyết vụ việc, Giám đốc Sở K thấy rằng hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên vẫn tiếp tục giải quyết vụ việc.

Hỏi: Anh Thanh xin rút toàn bộ nội dung tố cáo nhưng Giám đốc Sở K vẫn tiếp tục giải quyết vụ việc là đúng hay sai?

Trả lời:

Thanh xin rút toàn bộ nội dung tố cáo nhưng Giám đốc Sở K vẫn tiếp tục giải quyết vụ việc là đúng, vì:

Khoản 3 Điều 33 Luật Tố cáo năm 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về rút tố cáo như sau: “Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết”.

Theo quy định trên, trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết. Do đó, mặc dù anh Thanh xin rút toàn bộ nội dung tố cáo nhưng qua quá trình giải quyết vụ việc, Giám đốc Sở K thấy rằng hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên vẫn tiếp tục giải quyết vụ việc tố cáo là đúng.

TÌNH HUỐNG 12: Trách nhiệm xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo

Anh Kiên là ông chức Sở P – là người bị tố cáo về hành vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ. Nội dung tố cáo anh Kiên đã được Giám đốc Sở P kết luận anh Kiên không vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Hỏi: Trong trường hợp này, việc xử lý kết luận nội dung tố cáo của Giám đốc Sở P được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Điểm a Khoản 1 Điều 36 Luật Tố cáo năm 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về việc xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo như sau:

“1. Chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo căn cứ vào kết luận nội dung tố cáo tiến hành việc xử lý như sau:

a) Trường hợp kết luận người bị tố cáo không vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâm phạm do việc tố cáo không đúng sự thật gây ra, đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật”.

Theo quy định trên, chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, Giám đốc Sở P có trách nhiệm căn cứ vào kết luận nội dung tố cáo để khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của anh Kiên bị xâm phạm do việc tố cáo không đúng sự thật gây ra, đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật.

TÌNH HUỐNG 13: Trách nhiệm xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo

Anh Hoàng là công chức Ủy ban nhân dân xã M – là người bị tố cáo về hành vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ. Nội dung tố cáo anh Hoàng đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã M kết luận anh Hoàng vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Hỏi: Trong trường hợp này, việc xử lý kết luận nội dung tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã M được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Điểm b Khoản 1 và Khoản 2 Điều 36 Luật Tố cáo năm 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về việc xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo như sau:

“1. Chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo căn cứ vào kết luận nội dung tố cáo tiến hành việc xử lý như sau:

a) …;

b) Trường hợp kết luận người bị tố cáo vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Theo quy định trên, chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã M có trách nhiệm áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp hành vi vi phạm của anh Hoàng có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

TÌNH HUỐNG 14: Tố cáo tiếp

Bà Phương tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của công chức Ủy ban nhân dân phường K. Tố cáo của bà Phương đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường K giải quyết và ban hành kết luận nội dung tố cáo. Tuy nhiên, bà Phương cho rằng việc giải quyết tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường K là không đúng quy định của pháp luật.

Hỏi: Trong trường hợp này bà Phương có quyền tố cáo tiếp không và tố cáo đến cá nhân nào có thẩm quyền giải quyết?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 37 Luật Tố cáo năm 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về tố cáo tiếp như sau: “Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng quy định của pháp luật thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo”.

Theo đó, nếu bà Phương có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường K là không đúng quy định của pháp luật thì bà Phương có quyền tố cáo tiếp tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp trên trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường K.

TÌNH HUỐNG 15: Căn cứ giải quyết lại vụ việc tố cáo

Ông Hải có gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của công chức Ủy ban nhân dân huyện H. Tố cáo của ông Hải đã được Ủy ban nhân dân huyện H giải quyết và ban hành kết luận nội dung tố cáo.

Ông Hải muốn biết, việc giải quyết lại vụ việc tố cáo được thực hiện khi có căn cứ nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 Luật Tố cáo năm 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung), việc giải quyết lại vụ việc tố cáo được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây:

(1) Kết quả xác minh hoặc kết luận nội dung tố cáo thiếu chính xác hoặc thiếu khách quan.

(2) Bỏ sót, bỏ lọt thông tin, tài liệu, chứng cứ quan trọng trong khi xác minh hoặc kết luận nội dung tố cáo.

(3) Áp dụng không đúng pháp luật trong quá trình xác minh hoặc kết luận nội dung tố cáo./.

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH TUYÊN QUANG

Địa chỉ: Số 501 đường 17/8, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang, Điện thoại: (027) 3.822.831 - FAX: (027) 3.922.187 - Email: banbientapstptq@gmail.com

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 41/GP-TTĐT do Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 12/5/2015

Trưởng Ban biên tập: Bà Nguyễn Thị Thược - Giám đốc Sở.

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp Tuyên Quang (tuphaptuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang